Từng bước làm chủ trí tuệ nhân tạo - con đường giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, nếu không kiểm soát được các công nghệ then chốt như AI có thể khiến Việt Nam rơi vào tình trạng phụ thuộc. Do đó, AI đã được xác định là lĩnh vực ưu tiên cần từng bước làm chủ để đảm bảo “chủ quyền công nghệ”. Đây chính là một trong những con đường giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

tung-buoc-lam-chu-AI

Nghị quyết 57 được Bộ Chính trị ban hành đã nhấn mạnh vai trò chiến lược của trí tuệ nhân tạo, cho thấy sự cấp thiết trong việc đầu tư và phát triển công nghệ này tại Việt Nam.

Chiến lược thích ứng – lựa chọn phù hợp cho Việt Nam

Năm 2021, Việt Nam công bố chiến lược AI quốc gia. Tại thời điểm đó chưa đến 50 quốc gia trên thế giới có kế hoạch tương tự. Điều này thể hiện sự nhạy bén đón đầu xu thế của chúng ta. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, nhất là công nghệ AI tạo sinh như Chat GPT, Claude hay Grok… buộc nhiều quốc gia phải cập nhật và điều chỉnh chiến lược của mình. 

Theo nhận định của chuyên gia, chiến lược AI toàn cầu hiện nay có thể phân loại thành hai xu hướng: chiến lược “tiên phong” mà các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc theo đuổi và chiến lược “thích nghi” – phù hợp hơn với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong nước.

tung-buoc-lam-chu-AI

Việt Nam có thể xây dựng thế mạnh bằng cách phát triển AI trong các lĩnh vực ít được chú ý ở phạm vi toàn cầu nhưng lại có nhu cầu cao trong nước, chẳng hạn như nông nghiệp, y tế, sản xuất. Nhờ có cách định hướng phù hợp, chúng ta sẽ có “đất” để khẳng định vị thế của mình.

Dữ liệu – nền tảng cho phát triển AI

Để AI phát triển bền vững, một nền tảng dữ liệu mạnh là điều không thể thiếu. Hiện nay, cuộc đua về công nghệ ngày càng dữ dội và khốc liệt. Nếu không làm chủ được các công nghệ cốt lõi, Việt Nam có nguy cơ mất chủ quyền công nghệ, bị phụ thuộc công nghệ vào nước ngoài.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Việt Nam phải phát triển mọi công nghệ từ đầu. Chúng ta cần xác định trọng tâm đột phá. Việc xác định rõ đâu là công nghệ cần làm chủ, đâu là công nghệ có thể hợp tác hoặc nhập khẩu sẽ giúp quốc gia tối ưu nguồn lực.

Quay trở lại vấn đề về dữ liệu. Đây lại chính là một trong những điểm yếu hiện tại của Việt Nam. Nếu không có dữ liệu chuẩn hóa, đảm bảo tính hệ thống, tính bảo mật thì AI không thể hoạt động hiệu quả. Do đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc phát triển hạ tầng dữ liệu trong nước, nhằm đảm bảo chia sẻ và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả và an toàn.

Hướng đến một chiến lược AI mở và thực tế

Các chuyên gia nhận định rằng, Việt Nam có thể đổi mới cách xây dựng chiến lược AI theo hướng cởi mở hơn. Không nên giới hạn trong các văn bản do Nhà nước ban hành, chiến lược nên là kết quả hợp tác giữa các bên: cơ quan nhà nước, giới nghiên cứu, doanh nghiệp và cộng đồng chuyên gia. Từ đó, Nhà nước có thể chọn lọc và định hình lại chính sách theo nhu cầu thực tế.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng đầy thách thức để khẳng định vị thế trong kỷ nguyên mới. Việc xây dựng một chiến lược AI phù hợp – linh hoạt, thích nghi với xu hướng công nghệ, tập trung vào ứng dụng thực tiễn và phát triển hạ tầng dữ liệu – sẽ là chìa khóa để Việt Nam không bị tụt lại và đảm bảo được chủ quyền công nghệ trong tương lai.

BBT