Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho thành phố thông minh

Phát triển đô thị thông minh là thực hiện chuyển đổi số trong đô thị, tập trung giải quyết các vấn đề lớn, gồm: Giao thông, môi trường, năng lượng, rác thải, an ninh, trật tự đô thị…

Các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp chính quyền giải quyết được bài toán về quản trị này.

Giới thiệu sản phẩm công nghệ của Hệ sinh thái VNPT AI (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam)

Giới thiệu sản phẩm công nghệ của Hệ sinh thái VNPT AI (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam). Ảnh: Thanh Hà

Những hiệu quả thiết thực

Giám đốc nền tảng trợ lý ảo (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT) Lê Anh Văn cho biết, trợ lý AI có thể thay thế con người trong dịch vụ tư vấn, tra cứu thông tin. AI giúp định danh và xác thực điện tử, trích xuất thông tin chính xác từ hình ảnh giấy tờ cá nhân và ảnh chân dung; phát hiện tức thời các trường hợp bất thường (như giả mạo). Trợ lý AI nhận diện hình ảnh trong lĩnh vực giao thông, an ninh, giúp phát hiện phương tiện vi phạm. Trong y tế, AI giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh kịp thời…

Đại diện Viettel Flagship (thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội) chia sẻ, ứng dụng camera giao thông thông minh có thể điểm danh phương tiện, cung cấp thông tin điều hành quản lý đô thị, giúp giảm ách tắc, hạn chế tai nạn giao thông. Hay Công ty Dr.SME đề xuất mô hình giảm thiểu ô nhiễm không khí nhờ tối ưu chuỗi cung ứng hàng hóa, điều chỉnh thời gian giao hàng (trong khung giờ 18h-21h) để giảm phát khí thải do quá trình vận chuyển hàng hóa.

Là nhà cung cấp giải pháp thành phố thông minh cho phần lớn tỉnh, thành phố, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Ngô Diên Hy thông tin, các trợ lý AI của VNPT được khách hàng đón nhận và sử dụng hiệu quả. Có thể kể đến, trợ lý AI Smartbot hỗ trợ người dùng tìm kiếm và xử lý thông tin trên internet được nhiều khách hàng lựa chọn; trợ lý AI giám sát và lắng nghe mạng xã hội được trên 60 tỉnh, thành phố sử dụng; trợ lý AI định danh điện tử với hơn 1 tỷ lượt yêu cầu, góp phần tạo nên môi trường tài chính số nhanh chóng và an toàn.

Tận dụng tối đa cơ hội

Theo các chuyên gia, việc tạo lập được mô hình thu thập, kết nối, dữ liệu bảo đảm an toàn thông tin, khai thác dữ liệu phục vụ việc vận hành và ra quyết định trong quản lý điều hành đô thị là mối quan tâm của tất cả các cấp chính quyền trung ương và địa phương.

Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo (Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) Nguyễn Xuân Hoài cho rằng, công nghệ AI có thể tích hợp vào đô thị thông minh để xây dựng hệ thống giao thông thông minh; phục vụ việc quan trắc môi trường; thông báo, quản lý rác thải tối ưu; hoặc hỗ trợ xây dựng kho dữ liệu tích hợp dùng chung. Trong quản trị chính quyền, AI cũng có thể tích hợp để hỗ trợ giám sát an ninh, thông tin và xử lý văn bản, các tác nghiệp của công chức.

Khuyến nghị cho Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Hoài cho rằng, đối với những đô thị có dân cư lớn như Hà Nội, AI có thể được tích hợp trong quy trình hành chính công nhằm hỗ trợ thu thập phản ánh, thắc mắc của người dân.

Từ kinh nghiệm triển khai ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, quá trình xây dựng đô thị thông minh ở Thủ Đức đã đạt một số bước tiến ban đầu, khi sử dụng Chatbot GPT trong tương tác với người dân, triển khai hệ thống camera an ninh AI (nhận dạng biển số, nhận dạng đám đông, thống kê lưu lượng giao thông, truy vết trên bản đồ số…).

Hay như ở Đà Nẵng, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, địa phương này đã đầu tư 3.000 camera ứng dụng công nghệ AI giám sát giao thông, giúp nhận dạng, phân loại phương tiện, truy vết lộ trình xe tự động qua biển số, theo dõi tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông, giám sát các phương tiện vận tải. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng có hệ thống giám sát đỗ xe thông minh trên 80 tuyến đường và trong 25 bãi đỗ xe trên địa bàn…

Song, theo các chuyên gia, ứng dụng AI trong phát triển đô thị thông minh vẫn tồn tại những thách thức như, cơ sở dữ liệu chưa đủ đồng bộ, chưa đủ quy mô. Thêm nữa, còn có các vấn đề về xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cũng như thiếu hướng dẫn, thông tư về triển khai… cũng là thách thức trong triển khai AI.

Nói về tầm quan trọng của ứng dụng AI, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, AI giờ đây đã trở thành công nghệ chiến lược, mũi nhọn để các nước lớn trên thế giới, các tập đoàn công nghệ hàng đầu chiếm lĩnh, dẫn dắt. Để huấn luyện các mô hình AI sẽ cần một lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập và phân tích. Điều này bộc lộ cả mặt tích cực và tiêu cực, song khi cùng hòa vào làn sóng công nghệ của thế giới, thì điều quan trọng là cần nhanh nhạy nắm bắt thời cơ và kịp thời tìm ra những giải pháp để chủ động ứng phó với rủi ro có thể xảy ra. Về phát triển đô thị thông minh, không có hình mẫu nào có thể áp dụng hoàn toàn giống nhau. Mỗi địa phương, mỗi đô thị có quy mô, điều kiện khác nhau với các bài toán cần giải quyết khác nhau. Do vậy, các địa phương cần tham khảo và tận dụng cho phù hợp.

Trong chia sẻ về định hướng phát triển thành phố thông minh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu quan điểm, Hà Nội lựa chọn cách tiếp cận xây dựng thành phố thông minh bền vững, hành động thực chất vì lợi ích chung trước mắt và vì trách nhiệm mang lại sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai. Đặc tính bền vững của thành phố sẽ được thể hiện thông qua những lựa chọn thông minh về giải pháp, công nghệ. Do vậy, những chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ giúp Hà Nội lựa chọn và tận dụng các cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững.

Theo Báo Hà Nội mới