Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là hành trình tự nhiên 'như hơi thở'
Nếu ví công nghệ như hơi thở giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số, thì quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp là một hành trình chỉ có thể kết thúc khi doanh nghiệp đó ngừng tồn tại, đóng cửa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chuyển đổi số là một trong hai chuyển đổi quan trọng bậc nhất của nửa đầu thế kỷ XXI, đồng thời là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của Bộ TT&TT, đến năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP, với tốc độ tăng trưởng 20%/năm.
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024, với chủ đề “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - Phát triển Kinh tế số” tổ chức tại Hà Nội từ 28-29/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số (CĐS) và chuyển đổi xanh (CĐX) là "cặp song sinh" đi cùng với nhau, hỗ trợ nhau, góp phần đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững.
Chuyển đổi số để chuyển đổi xanh
Tại Diễn đàn, ông Lâm Quang Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban chuyển đổi số doanh nghiệp VINASA, cho biết quá trình CĐS của doanh nghiệp là một hành trình không có điểm cuối, chỉ có thể kết thúc khi doanh nghiệp đó ngừng tồn tại, đóng cửa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn nhận định CĐS và CĐX là mục tiêu kép, không thể tách rời nhau.
Ông Lâm Quang Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban chuyển đổi số doanh nghiệp tại VINASA. Ảnh: DX Summit 2024
Trong khi đó, doanh nghiệp có nhiều mục tiêu khác cần thực hiện, như nâng cao năng suất, hiệu suất, tỷ trọng hoà vốn đầu tư… Ông Quang Nam cho biết, doanh nghiệp có thể “dồn sức” vào CĐS làm cơ sở CĐX tốt hơn.
Tuy nhiên, do doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng nên khi tiến hành CĐX sẽ gặp những thách thức, chẳng hạn như việc mọi chỉ dấu carbon phản ánh ở sản phầm đầu ra, do đó dù nhà máy có “xanh”, sử dụng năng lượng sạch nhưng nguồn cung ứng không “xanh” thì cũng không thể có sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chí. Bởi vậy, từ góc độ quản trị, việc minh bạch chuỗi cung ứng là yếu tố tiên quyết để CĐX.
Trong đó, để đánh giá mức độ hiệu quả của CĐX, doanh nghiệp cần công nghệ số trong tất cả các khâu, từ đo lường, kê khai, cho đến phân loại và kiểm tra.
Nhu cầu tư vấn CĐS, CĐX
Trong khuôn khổ sự kiện, tiến sỹ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh nhận định xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư đang diễn ra, tập trung vào vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, ngay giữa các địa phương cũng có sự chuyển dịch nguồn vốn này.
Nguyên nhân là do nhu cầu của nhà đầu tư có sự khác nhau tại từng khu vực cụ thể, thường xoay quanh 3 nhu cầu lớn: tìm kiếm tài sản chiến lược (gồm cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, trường trạm, cầu cảng,…); chi phí rẻ (gồm đất đai và lao động); động lực đổi mới sáng tạo có giá trị gia tăng lớn. Bởi vậy, CĐS-CĐX là nhu cầu để nâng cao sức cạnh tranh cho các địa phương.
Để có các sản phẩm, dịch vụ CĐS-CĐX cung cấp ra thị trường, cần thiết phải có những chuyên gia, tư vấn ứng dụng công nghệ mới vào trong nhà máy, cơ sở sản xuất.
TS. Bắc cho biết, Bắc Ninh đứng đầu theo xếp hạng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên minh Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) về chỉ số các doanh nghiệp ít chịu tổn thất do biến đổi khí hậu và đứng thứ tư toàn quốc theo QĐ-01 của Thủ tướng Chính phủ về số lượng doanh nghiệp phải kiểm kê khí thải nhà kính. Đây là một thị trường tiềm năng cho các nhà tư vấn CĐS-CĐX, ứng dụng quản trị thông minh.
Cũng tại Diễn đàn lần này, các diễn giả từ FPT Software, Liferay, VTI Group đã mang đến một số giải pháp kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp CĐS-CĐX hiệu quả như ứng dụng AI trong sản xuất công nghiệp, DXP, MES, PiSafe…