Đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân để tự bảo vệ trên không gian mạng
Bộ TT&TT đang xây dựng nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân để tự bảo vệ mình, tăng sức đề kháng cũng như biết cách ứng xử trên môi trường mạng xã hội.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ người dân trước sự xâm hại nói chung trên không gian mạng đang được quan tâm, trong phiên chất vấn ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Nghị định 72 mà Chính phủ sẽ ký trong tháng 11 hoặc tháng 12 này sẽ có những sửa đổi căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó quy định việc xâm hại đời tư sẽ bị xử lý như thế nào, sau khi có thể chế thì sẽ có các thiết chế để hỗ trợ người dân.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Được biết, hiện nay Bộ TT&TT thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Quốc gia để xử lý các thông tin xâm hại người dân ở mức quốc gia. Đây là cách mà nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng.
Không chỉ dừng lại ở Trung tâm Xử lý tin giả Quốc gia, theo Bộ trưởng, cũng cần phải thành lập các trung tâm xử lý tin giả ở cấp độ sâu hơn là cấp tỉnh vì hiện nay, chúng ta di chuyển lên không gian mạng hầu hết các hoạt động của cuộc sống.
Để thực thi pháp luật nghiêm minh, Bộ TT&TT cũng đang phối hợp với Bộ Công an để xử lý nghiêm một số vụ việc mang tính xâm hại trên không gian mạng như vụ xử lý hình sự bà Nguyễn Phương Hằng sẽ mang tính răn đe rất cao.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đặc biệt nhấn mạnh về tính căn cơ của vấn đề liên quan tới việc xây dựng văn hóa số. “Không gian mạng là môi trường hoàn toàn mới với chúng ta. Chúng ta sống trong thế giới thực nhiều chục nghìn năm rồi mà có vẻ như vẫn còn rất nhiều vấn đề, huống gì việc chúng ta mới di chuyển lên không gian mạng được hơn 20 năm.
Tôi nghĩ rằng cần xây dựng văn hóa ứng xử, kể cả việc đưa vào trong các chương trình đào tạo phổ thông lồng ghép vào chương trình công nghệ thông tin”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT cũng xây dựng nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân để tự bảo vệ mình, để tăng sức đề kháng cũng như biết cách ứng xử trên môi trường mạng xã hội. Nền tảng này là toàn dân và hiện nay mới được đưa ra chưa được một năm nhưng số lượng người vào để học, vào để lấy kỹ năng đã đạt hơn 20 triệu lượt. Điều này cho thấy những tín hiệu rất tốt, đặc biệt là vấn đề truyền thông tới công chúng.
“Câu chuyện không gian mạng hiện nay mới mẻ với khá nhiều người và cũng nhiều tệ nạn ở trên đấy, hay bao nhiêu thì tệ nạn tương đương bấy nhiêu. Cho nên cần truyền thông để nhận thức xã hội, để cho người dân biết được những hiện tượng xấu, những bạo hành hoặc những xâm hại trên đấy để chúng ta biết cách xử lý và tránh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.