“Điểm sáng” triển khai đài truyền thanh thông minh tại Cao Bằng
Linh hoạt tìm kiếm giải pháp giảm nghèo thông tin cho người dân, huyện Trùng Khánh đã trở thành một “điểm sáng” về triển khai đài truyền thanh thông minh tại tỉnh Cao Bằng.
Ông Nông Ngọc Tân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Truyền thông huyện Trùng Khánh, đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VietNamNet.
Ông Nông Ngọc Tân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Truyền thông huyện Trùng Khánh. Ảnh: B.M
Nỗ lực chuyển đổi số đài truyền thanh
Đài truyền thanh thông minh đã được triển khai tại huyện Trùng Khánh từ khi nào, thưa ông?
Giám đốc Nông Ngọc Tân: Xuất phát từ nhu cầu thực tế của bà con nhân dân trên địa bàn về những thông tin thiết yếu của các cấp từ trung ương tới tỉnh, huyện, xã, từ năm 2019 – 2020, chúng tôi bắt đầu thử nghiệm một số bộ thu truyền thanh thông minh, lắp tổng đài truyền thanh thông minh.
Sau khi thấy hiệu quả cao mới bắt đầu nhân rộng dần từng năm bằng nhiều nguồn vốn đầu tư. Với nhiều nguồn vốn lồng ghép, đến hết năm 2023, chúng tôi phấn đấu mỗi xã/thị trấn sẽ có một đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông (còn có tên khác là đài truyền thanh Internet, hoặc đài truyền thanh số, hoặc đài truyền thanh thông minh) để chủ động trong công tác thông tin tuyên truyền; 100% nhà văn hóa các xóm trên địa bàn huyện Trùng Khánh đều có loa truyền thanh thông minh.
Huyện Trùng Khánh hiện có 203 xóm thuộc 19 xã và 2 thị trấn, đều đã có loa truyền thanh thông minh. Tuy nhiên, một số xóm trước đây bị sáp nhập nên không còn tên hành chính, trong khi nhóm hộ dân cư vẫn sinh sống tại đó. Chúng tôi sẽ lập kế hoạch xin kinh phí bổ sung để lắp bù cho những điểm nhóm hộ dân cư không còn tên hành chính này, đảm bảo đến hết quý 1/2024 sẽ có gần 240 bộ thu truyền thanh thông minh để phục vụ nhân dân các thông tin thiết yếu.
Chúng tôi phấn đấu đến hết quý 1/2024 sẽ lắp đặt xong. Sau đó tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Trùng Khánh mở các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức văn hóa - xã hội cấp xã được giao phụ trách đài truyền thanh cơ sở. Nội dung tập huấn đi sâu vào kỹ năng quản trị đài truyền thanh cấp xã, kỹ năng viết tin bài, đăng tải tin bài trên trang tin điện tử của xã.
Ở cấp xã có 2 công chức văn hóa, 1 người phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội, và 1 người phụ trách lĩnh vực xã hội (các đối tượng chính sách). Chúng tôi sẽ tham mưu các xã giao nhiệm vụ vận hành đài truyền thanh thông minh cho các công chức có chuyên môn một chút về tin học. Với những chuyên môn nghiệp vụ sâu, chúng tôi sẽ tập huấn thêm cho họ theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, về tận nơi chỉ dẫn.
Các cấu phần chính của truyền thanh thông minh là gì?
Cụm loa truyền thanh thông minh là thiết bị lắp đặt tại các thôn, xóm. Còn đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin thì lắp đặt tại trụ sở ủy ban nhân dân xã hoặc trung tâm văn hóa – truyền thông của huyện.
Một cụm loa truyền thanh thông minh cũng có những bộ phận tương tự cụm loa truyền thanh FM trước đây là có hộp thiết bị, hệ thống dây điện, dây loa, về các thiết bị loa…, dù rằng thiết bị trong các hộp kỹ thuật của loa truyền thanh thông minh khác với loa truyền thanh FM.
Sự khác biệt là về tổng đài. Tổng đài truyền thanh thông minh rất nhỏ gọn, gồm có một bộ mã hóa gốc, các thiết bị xử lý âm thanh, máy tính xử lý tín hiệu đầu vào và quản trị hoạt động của đài. Tổng đài dễ sử dụng hơn, có thể vận hành bất cứ lúc nào, không cần quá nhiều người và cũng không cần trình độ công nghệ quá cao.
Trên thị trường hiện có nhiều hãng sản xuất thiết bị truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông. Tuy nhiên, các đài truyền thanh thông minh tại huyện Trùng Khánh đều sử dụng thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn quy định trong Thông tư số 39 năm 2020 của Bộ Thông tin và truyền thông
Đâu là những ưu điểm và nhược điểm của đài truyền thanh thông minh?
So với các hệ thống cũ sử dụng công nghệ phát thanh FM, truyền thanh thông minh có khá nhiều ưu điểm như nhỏ gọn, giao diện ứng dụng rất thân thiện, dễ sử dụng. Đặc biệt, ở bất cứ nơi đâu có sóng 3G, 4G là có thể lắp đặt được; không còn hiện tượng âm thanh phập phù, nhiễu, rẻ khi trời mưa gió hoặc tại khu vực đồi núi khuất.
Tuy nhiên, kinh phí đầu tư hệ thống đài truyền thanh thông minh cao hơn so với đài FM trước kia. Vì thế rất khó đầu tư đồng loạt nếu không có chương trình, dự án lớn của quốc gia hỗ trợ.
Giảm nghèo thông tin cho người dân
Các đài truyền thanh thông minh thường truyền tải những nội dung nào đến bà con?
Vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, chúng tôi tổng hợp thông tin thời sự thường xuyên diễn ra trên địa bàn toàn huyện, còn thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy sẽ phát các văn bản, chỉ thị của các cấp mới được ban hành, đồng thời có các chuyên mục để phát ghép với các chương trình.
Ảnh: B.M
Hiện có khá nhiều chuyên mục chính có kế hoạch phát thường xuyên, gồm: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cải cách hành chính; Quốc phòng và an ninh; Bảo hiểm xã hội với người dân; Nông nghiệp và nông thôn; Xây dựng Đảng; Văn hóa thể thao du lịch; Sức khỏe và đời sống; An toàn giao thông; Xây dựng nông thôn mới; Chuyển đổi số (mới mở từ đầu năm 2022)…
Với bà con dân tộc thiểu số, có bí quyết nào giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ những nội dung tuyền truyền qua đài truyền thanh hay không?
Dân số huyện Trùng Khánh có gần 74.000 người, thuộc 4 dân tộc gồm Tày, Nùng, Kinh, Mông. Trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều.
Để thông tin thiết yếu đến với bà con, chúng tôi cũng phải chắt lọc những thông tin hết sức ngắn gọn, sao cho bà con dễ hiểu, dễ nhớ, hạn chế đọc nguyên văn bản, không dẫn nguồn các số văn bản, các căn cứ quyết định khó nhớ. Ví dụ với thông điệp về chuyển đổi số, chỉ nêu ngắn gọn sự cần thiết của chuyển đổi số, làm thế nào để chuyển đổi số; hoặc với thông điệp về xây dựng nông thôn mới, chỉ nêu trọng tâm sự cần thiết của xây dựng nông thôn mới và làm sao để xây dựng nông thôn mới…
Qua phản hồi của cấp cơ sở cũng như người dân, mọi người đều đánh giá rất cao chất lượng âm thanh tròn – to – rõ, nội dung chương trình dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu
Thời gian phát sóng trong ngày có gì đặc biệt?
Ngoài tiếp sóng cấp Trung ương là VOV và tiếp sóng của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, chúng tôi còn phát chương trình địa phương cấp huyện.
Chương trình phát thanh buổi sáng bắt đầu từ 5h58 phút đến 7h, buổi trưa từ 11h58 đến 12h30, buổi chiều phát từ 17h đến 19h. Với những chương trình Đài Phát thanh – Truyền hình Cao Bằng phát lệch giờ của đài huyện thì chúng tôi thu chương trình và phát lại sau.
Khảo sát người dân thì thấy đây là khung giờ phát hợp lý. Có những huyện khác phát từ 5 giờ sáng, có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ và sức khỏe của bà con.
Linh hoạt tìm giải pháp tình thế
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn một số vùng “lõm sóng”, “trắng sóng” điện thoại di động. Nếu không có giải pháp tình thế thì bà con sẽ rất thiệt thòi trong việc tiếp cận thông tin, giảm nghèo thông tin. Huyện Trùng Khánh đã làm thế nào để khắc phục hiện trạng này?
Huyện Trùng Khánh nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung có nhiều xã biên giới, nhiều chòm xóm, nhóm hộ dân cư ở trên vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới, ngoài cuộc sống vật chất nghèo khó thì họ còn nghèo cả thông tin.
Qua những chuyến đi cơ sở thực tế, tiếp xúc với bà con nhân dân tại đó, chúng tôi thấy bà con rất cần biết thêm thông tin thiết yếu.
Ảnh: B.M
Chúng tôi đã cùng suy nghĩ, tìm giải pháp tình thế cho những vùng không có điện, không có sóng điện thoại 3G, 4G. Với những nơi chưa có điện thì chúng tôi đã dùng năng lượng mặt trời để vận hành thiết bị truyền thanh, kết nối vệ tinh parabol thu tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh để truyền sóng VOV qua hệ thống loa truyền thanh thông minh đến nhóm hộ dân cư đó.
Sau khi được lắp đặt, chúng tôi thường xuyên cử anh em xuống kiểm tra, đồng thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân, kết hợp làm tin luôn. Mỗi lần đi cơ sở, chúng tôi cả kỹ thuật viên và tuyên truyền viên, vừa kiểm tra hệ thống vừa kết hợp làm tin bài luôn.
Hiện tại, do điều kiện kinh phí cấp hàng năm còn có những hạn chế, chưa thể xử lý được hết những điểm gọi là “vùng trắng” thông tin, “vùng lõm” thông tin. Chúng tôi đang cố gắng đến năm 2025 sẽ phủ sóng truyền thanh đến những “vùng trắng”, “vùng lõm” đó.
Ông có đề xuất, kiến nghị gì để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đài truyền thanh thông minh trong thời gian tới?
Là một người công tác trực tiếp trong ngành văn hóa - truyền thông cấp huyện, tôi có đề xuất, sắp tới, Bộ Thông tin Truyền thông cùng các bộ, ngành liên quan nên kiến nghị Chính phủ có chế độ đặc thù dành cho cán bộ, công chức văn hóa - xã hội hưởng thêm một phần trợ cấp trách nhiệm trong quản lý vận hành đài truyền thanh cơ sở.
Theo tôi biết, tỉnh Cao Bằng đã có Quyết định số 30 để có thù lao cho các công chức phụ trách đài cấp xã, nhưng hiện tại vẫn chưa được áp dụng rộng rãi, do chưa có nhiều văn bản hướng dẫn.
Khi làm thêm nhiệm vụ kiêm nhiệm mà không gắn liền với quyền lợi thì “tam giác cân” nghĩa vụ - quyền lợi – trách nhiệm sẽ khó được đảm bảo. Khi quyền lợi không được đáp ứng thì có thể khó phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm.
Xin cảm ơn ông!