Đưa mạng bưu chính thành hạ tầng thiết yếu của kinh tế số Việt Nam
Là một hợp phần của hạ tầng TT&TT, mạng bưu chính được quy hoạch theo hướng mở rộng phục vụ cả thương mại điện tử và logistics, dần trở thành một hạ tầng thiết yếu của kinh tế số Việt Nam.
Mở rộng phục vụ cả thương mại điện tử và logistics
Hạ tầng TT&TT nói chung và mạng bưu chính nói riêng ngày càng giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước. Sự phát triển của công nghệ số đã và đang tạo ra nhiều thay đổi lớn liên quan đến hạ tầng TT&TT, trong đó mạng bưu chính tham gia ngày càng sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử và logistics.
Trong khi đó, dù đã thiết lập được hệ thống điểm phục vụ bưu chính phủ rộng toàn quốc, với trên 21.600 điểm tính đến hết năm 2020, có bán kính phục vụ cao hơn bình quân thế giới, song một trong những hạn chế của mạng bưu chính Việt Nam là chưa tối ưu cho phục vụ thương mại điện tử và logistics. Các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đang phát triển một cách tự phát hạ tầng mạng lưới riêng biệt nhằm phục vụ bài toán kinh doanh của đơn vị mình.
Bức tranh thị trường bưu chính giai đoạn đến năm 2020 còn cho thấy, vẫn chưa có sự liên kết, đồng bộ của mạng bưu chính công cộng với mạng bưu chính chung của tất cả doanh nghiệp bưu chính. Với mạng logistics của Việt Nam, sự liên kết mới chỉ dừng lại ở mức độ hợp tác kinh doanh, liên kết với các doanh nghiệp vận tải thuê ngoài để giảm thiểu chi phí, chưa có định hướng liên kết bài bản.
Trong quy hoạch hạ tầng TT&TT, mạng bưu chính được xác định là 1 trong 5 hợp phần chính, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu trong kỷ nguyên số.
Được quy hoạch theo hướng giải quyết những tồn tại của thực trạng phát triển mạng bưu chính Việt Nam trước đây, mạng bưu chính giai đoạn mới giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định, liền mạch của dòng chảy hàng hóa; được thiết kế với định hướng mở rộng phục vụ cả thương mại điện tử và logistics, dần trở thành hạ tầng quan trọng của kinh tế số.
Theo đơn vị soạn thảo Quy hoạch hạ tầng TT&TT, tư tưởng cốt lõi là phát triển mạng bưu chính một cách đồng bộ, hiện đại để gắn kết giữa thế giới thực và không gian số, trở thành một trong những hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số. Quy hoạch mạng bưu chính có tính dự phòng nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng toàn vẹn, không đứt gãy trong mọi trường hợp khẩn cấp.
Theo quy hoạch, đến năm 2030 sẽ xây dựng từ 3 - 5 trung tâm bưu chính khu vực trên cả nước. (Ảnh minh họa)
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, đại diện Vietnam Post nhận định: Việc Quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt, trong đó có nội dung quy hoạch mạng bưu chính là một bước tiến. Điều này không chỉ có ý nghĩa định hướng nâng cấp và phát huy hiệu quả mạng bưu chính công cộng mà còn giúp ngành bưu chính có được những điều kiện thuận lợi hơn để đón đầu xu hướng phát triển trong thời đại công nghệ mới. Đồng thời, cũng khẳng định vai trò không thể thiếu của mạng bưu chính trong hạ tầng TT&TT, đảm bảo dòng chảy vật chất, quyết định kết quả chặng cuối của kinh tế số trong hệ sinh thái xây dựng cuộc sống số, xã hội số, quốc gia số.
Người dân được dùng dịch vụ chất lượng với giá phù hợp
Không những có mối liên hệ chặt chẽ với các hợp phần khác của hạ tầng TT&TT, mạng bưu chính giai đoạn mới còn duy trì sự thông suốt của dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu nhờ liên kết chặt chẽ với hạ tầng giao thông và hạ tầng logistic.
Được xây dựng đảm bảo đồng bộ với Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến 2030, quy hoạch hạ tầng TT&TT đặt ra các mục tiêu cao về phát triển mạng bưu chính, bao gồm mạng bưu chính KT1 và mạng bưu chính công cộng.
Cho biết căn cứ đưa ra các mục tiêu, kịch bản phát triển mạng bưu chính là từ khảo sát, phân tích số liệu hiện trạng của mạng bưu chính cùng dự báo bối cảnh trong và ngoài nước, đại diện Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) cũng nhấn mạnh: Các mục tiêu, yêu cầu phát triển mạng bưu chính hướng tới mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở ra không gian hoạt động mới. Đặc biệt là, bảo đảm mọi người dân trên cả nước đều có quyền được tiếp cận và sử dụng dịch vụ bưu chính ổn định, có chất lượng với giá cước hợp lý.
Các doanh nghiệp bưu chính có trách nhiệm tham gia phát triển và áp dụng những công nghệ tiên tiến vào mạng bưu chính. (Ảnh: Q.Bảo)
Nhận thức rõ để quy hoạch đi vào cuộc sống thì những nội dung đưa ra phải đảm bảo tính khả thi cao, cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng nội dung về mạng bưu chính đã luôn phối hợp chặt chẽ với Cục Bưu điện Trung ương và các doanh nghiệp bưu chính chủ lực như VietNamPost, Viettel Post... “Từng nội dung dự thảo quy hoạch, từng mục tiêu, phương án phát triển đều được rà soát, cân nhắc”, đại diện Viện Chiến lược TT&TT cho hay.
Bên cạnh đề nghị cụ thể với các bộ, ngành và địa phương, tại sự kiện công bố Quy hoạch hạ tầng TT&TT ngày 23/2, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính lớn tập trung nguồn lực để triển khai hạ tầng bưu chính rộng khắp phục vụ thương mại điện tử, có công nghệ hiện đại, quy mô lớn, kết nối tối ưu, và tăng cường dùng chung để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngoài vai trò quan trọng của Vietnam Post, đơn vị được giao vận hành mạng bưu chính công cộng, các doanh nghiệp khác cũng có trách nhiệm tham gia đầu tư hạ tầng bưu chính, phát triển các nền tảng bưu chính số quốc gia. Đồng thời, phát triển và áp dụng những công nghệ tiên tiến vào mạng bưu chính như công nghệ xếp dỡ, nâng chuyển, lưu bưu gửi, phân loại và chia chọn tự động, hệ thống thiết bị IoT… nhằm tận dụng tối đa nguồn lực, giảm chi phí hậu cần.
Các yêu cầu phát triển mạng bưu chính đến năm 2025 gồm tổng năng lực khai thác, phục vụ đạt 93.000 tấn bưu gửi/ngày, thời gian giao hàng liên tỉnh và quốc tế (phần xử lý giữa các trung tâm) tối đa 5 ngày, thời gian giao hàng nội vùng tối đa 2 ngày. Cùng với đó, sẽ có 3 trung tâm bưu chính khu vực với năng lực khai thác bình quân hơn 11.000 tấn bưu gửi/ngày, phạm vi phục vụ bình quân 350 km; 14 trung tâm bưu chính vùng có năng lực khai thác bình quân trên 4.500 tấn bưu gửi/ngày và phạm vi phục vụ bình quân 115 km. |