Quốc tế đánh giá tích cực về kết quả chuyển đổi số ở Việt Nam
Thời gian qua, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện và đã có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội.
Tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Với kỳ vọng là cuộc cách mạng số sẽ thực sự tạo ra được sự bứt phá cho đất nước ta trong những thập niên tới, Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hoạt động chuyển đổi số tại doanh nghiệp
Cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm có chương trình, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.
Chia sẻ về kết quả chuyển đổi số quốc gia đến nay, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đã có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
"Nổi bật là đánh giá quốc tế về chuyển đổi số của Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực: Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay (theo WIPO); chỉ số bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với năm 2021, đứng thứ 38 (theo IPU)" - đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia dẫn chứng.
Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo Google, Temasek). Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...).
Đặc biệt, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử.
Đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VnNeID, tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế. Đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương và 3 doanh nghiệp viễn thông.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ cho chuyển đổi số quốc gia được triển khai tích cực, hiệu quả: Trình Quốc hội thông qua Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân; ban hành 4 nghị quyết, 1 nghị định; 7 Quyết định, 6 Chỉ thị. Đã có 50/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, triển khai dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp: Đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Phát triển hạ tầng số đạt nhiều kết quả tích cực: Gần 80% người dân Việt Nam sử dụng Internet. Hiện đã phủ sóng di động tại 2.233/2.853 (chiếm 78%) điểm lõm sóng (620 điểm còn lại sẽ phải hoàn thành trong 2024). Thử nghiệm mạng di động 5G tại hơn 50 tỉnh, thành phố.
Các trung tâm dữ liệu tiếp tục được đẩy mạnh xây dựng ở cả khu vực công và tư: Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương, Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, giao Bộ Công an thực hiện; 13 doanh nghiệp xây dựng 45 Trung tâm dữ liệu.
An ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng, củng cố, tăng cường: Có 65% hệ thống thông tin được xác nhận bảo vệ an toàn thông tin phân loại theo cấp độ. Gần 4,8 nghìn trang web của cơ quan nhà nước được đánh giá và dán nhãn tín nhiệm mạng.
"Có được những kết quả nổi bật nêu trên là nhờ vào những nỗ lực, cố gắng, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp" - đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia nói.
Đẩy mạnh chuyển đổi số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới
Tuy nhiên, Cục Chuyển đổi số quốc gia thừa nhận, việc triển khai công tác chuyển đổi số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nhân lực công nghệ thông tin thiếu số lượng, yếu về chất lượng và hạ tầng số kém phát triển có thể nói là hai thách thức, rào cản lớn nhất.
Để giải quyết những vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp. Cụ thể, triển khai các chương trình, đề án để đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Bộ đã chủ trì tổ chức 60 khóa học về chuyển đổi số trên Nền tảng MOOCS cho 305.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan nhà nước; 20 khóa phổ cập kỹ năng số cho người dân với 23 triệu lượt người truy cập học trên Nền tảng; 2 khóa tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng.
Đồng thời, hỗ trợ 11 bộ, ngành và 43 địa phương sử dụng miễn phí Nền tảng MOOCS. Các bộ, ngành, địa phương đã sử dụng nền tảng do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ để tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho gần 140.500 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Đặc biệt, tích cực triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng. Theo đó, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 80.698 Tổ công nghệ số cộng đồng và 378.941 thành viên tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, phố; 54/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.
Mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có khoảng 4 đến 9 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, công an khu vực, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng nòng cốt.
Các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ mình trên không gian mạng; sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.
Về phủ sóng đối với các thôn lõm sóng, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia thông tin thêm, tính đến tháng 11/2023, cả nước còn 689 thôn lõm sóng. Trong đó có 562 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn và 127 thôn không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, bao gồm các thôn vẫn chưa có điện lưới.
Do đó, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện: Tổ chức đo và lập danh sách các điểm mà mạng viễn thông di động chưa đạt 40 Mbps.; làm việc với doanh nghiệp viễn thông để yêu cầu bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động, dần tiến tới xóa toàn bộ vùng lõm sóng viễn thông và bảo đảm tốc độ mạng băng rộng cố định, di động.
"Ngoài ra, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, giao các địa phương thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc tiếp cận sử dụng dịch vụ Internet, dịch vụ công trực tuyến phục vụ nâng cao trình độ nhận thức, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" - đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia cho hay.