Sau 2 năm thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện Bá Thước

Với đặc thù là huyện miền núi, địa hình chia cắt, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống không tập trung nên công tác vận động, tuyên truyền người dân làm căn cước công dân (CCCD) gặp rất nhiều khó khăn. Song, với mục tiêu hoàn thành sớm chỉ tiêu 100% công dân trên địa bàn huyện trong độ tuổi theo quy định được cấp thẻ CCCD gắn chíp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VneID), các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Bá Thước đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt VneID, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

de-an-06

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Bá Thước hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 06 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), Công an huyện Bá Thước đã tham mưu với UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện Đề án 06; đồng thời, tham mưu Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định thành lập tổ công tác, tổ giúp việc triển khai thực hiện đề án gồm 25 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng; 21 tổ đề án cấp xã, 205 tổ công tác cấp thôn, bản, khu phố (đạt 100%) nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ của Đề án 06 được xuyên suốt từ huyện đến địa bàn cơ sở.

Bên cạnh đó, Công an huyện đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp các ngành, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tăng cường công tác tuyên truyền về VneID qua các cuộc họp; trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh, truyền thanh của các địa phương với 245 lượt; tuyên truyền sâu rộng trên các trang fanpage, nhóm zalo của các địa phương, đoàn thể chính trị - xã hội, công an huyện, xã để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, những lợi ích thiết thực của việc đăng ký VneID, từ đó nâng cao nhận thức, cùng đồng hành trong việc đăng ký, thực hiện VneID.

Vào những đợt cao điểm, tận dụng “thời gian vàng” là những ngày nghỉ lễ, như 30/4, 1/5, thứ 7, chủ nhật, lực lượng công an đã thành lập nhiều tổ công tác lưu động phối hợp với các ngành, đoàn thể để cấp CCCD và VneID cho công dân trên địa bàn huyện về địa phương nghỉ lễ; hoặc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để làm thủ tục cấp CCCD cho người già yếu, người tàn tật đi lại khó khăn.

Theo một tổ công tác của Công an huyện Bá Thước đến từng hộ có người già yếu, neo đơn, người tàn tật ở xã Thành Lâm để trực tiếp thu nhận hồ sơ, làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp, chúng tôi nhận thấy các bước tiến hành thu nhận hồ sơ cấp CCCD tuy khá đơn giản, nhưng lại mất rất nhiều thời gian do có nhiều trường hợp công dân bệnh nặng, già yếu, không thể ngồi dậy, rất khó chụp ảnh hoặc tuổi cao bàn tay chai sạn, vân tay mất nét, khó lấy dấu vân tay...

Xúc động khi tổ công tác đến tận nhà hỗ trợ, ông Ngân Văn Đông (70 tuổi) ở thôn Bầm nói “Tôi nghe truyền thanh thôn tuyên truyền về việc làm CCCD nhưng do sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, từ nhà ra đến công sở xã lại rất xa. Hôm qua, nghe bà con nói, sẽ có cán bộ, chiến sĩ công an đến tận nhà làm CCCD cho tôi, tôi vui lắm; cảm ơn các anh, chị công an đã không quản đường xa đến tận nhà giúp dân”.

“Với phương châm “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”, không quản trời mưa, hay nắng, đường sá xa xôi vất vả, chúng tôi phân công cán bộ, chiến sĩ phối hợp với ban quản lý thôn, các chi hội đoàn thể đi rà soát từng khẩu có mặt trên địa bàn (đủ điều kiện) chưa được cấp CCCD gắn chíp điện tử để lên danh sách, sau đó thông báo, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn để người dân nắm bắt được thời gian, địa điểm tổ công tác cấp CCCD lưu động của huyện, xã đến làm việc. Một số người dân đi rẫy và ở lại trên rẫy, công an xã đã cử cán bộ, chiến sĩ lên rẫy vận động người dân trở về thôn để làm CCCD. Đối với người già neo đơn, khuyết tật đi lại khó khăn, chúng tôi cùng tổ công tác của Công an huyện Bá Thước đến tận nhà để hỗ trợ người dân hoàn thành các thủ tục theo đúng quy định” - Trưởng Công an xã Thành Lâm Bùi Văn Thuyết cho biết.

Với tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ công an cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tính từ ngày 6/1/2022 đến ngày 3/12/2023, Công an huyện Bá Thước đã tiếp nhận 55.953 hồ sơ định danh điện tử cho công dân trên địa bàn huyện; số hóa, lưu trữ được 3.216 hồ sơ đăng ký cư trú, đủ điều kiện để đồng bộ lên Kho dữ liệu điện tử của Bộ Công an; phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) cấp huyện tiếp nhận 64.286 trường hợp công dân chưa có thông tin số định danh cá nhân/CCCD để các đơn vị công an cấp xã tiến hành rà soát, tra cứu, cung cấp số định danh cá nhân/CCCD cho cơ quan BHXH cấp huyện cập nhật vào hệ thống quản thu sổ thẻ, hoàn thiện dữ liệu người tham gia bảo hiểm để đảm bảo đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ cho người dân đi khám bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp. Tính đến ngày 3/12/2023, công an các xã, thị trấn đã hoàn thiện việc rà soát, đồng thời gửi danh sách 38.684 trường hợp để BHXH huyện Bá Thước cập nhật vào hệ thống quản thu sổ thẻ, phục vụ cho người dân đi khám bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp...

Có thể nói, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, tỷ lệ dịch vụ công của các thủ tục hành chính trên địa bàn huyện Bá Thước tăng lên rõ rệt, một số thủ tục gần như đạt 100% như: đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, cấp phiếu lý lịch tư pháp... Những ứng dụng của dữ liệu dân cư, CCCD đã được áp dụng vào thực tiễn, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Thời gian tới, huyện Bá Thước tiếp tục tổ chức tuyên truyền đồng bộ, toàn diện bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân về Đề án 06, kết quả của Đề án 06 nhằm tạo sự đồng thuận trong các cấp chính quyền, Nhân dân trong huyện để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn huyện; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số nhất là tạo lập danh tính điện tử, cài đặt, sử dụng, thực hiện các dịch vụ công trên ứng dụng VneID (dịch vụ lưu trú, CCCD, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác) nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân, doanh nghiệp và hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Đề án 06.

Tiếp tục hoàn thiện thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thu nhận, quản lý CCCD, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn dữ liệu, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành, địa phương có liên quan đẩy nhanh quá trình kết nối dữ liệu góp phần quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số. Hoàn thành, mở rộng việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định để chia sẻ cho các phòng, ban, ngành, đơn vị, địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (về xác thực thông tin người dùng, hỗ trợ cung cấp, kiểm tra thông tin công dân). Đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Tăng cường mạnh mẽ kết nối, liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công một cách có hiệu quả giữa các phòng, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp; tổ chức chính trị - xã hội liên quan...

Theo Báo Thanh Hóa