Số hóa dữ liệu đất đai mang lại nhiều lợi ích cho công tác quản lý nhà nước

Dữ liệu đất đai được số hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách liên quan. Hoàn thành việc này cũng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí trong giải quyết thủ tục hành chính ở Hải Dương.

so-hoa-du-lieu-dat-daiDữ liệu đất đai được số hóa giúp người dân đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Hải Dương giải quyết thủ tục liên quan nhanh gọn hơn.

Nhanh chóng, tiện lợi

Ngày 15/5, anh Nguyễn Việt A. ở phường Nhị Châu đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Hải Dương làm thủ tục cho tặng một thửa đất cho vợ của mình. Đầu tháng 4 vừa rồi, anh A. đã làm hồ sơ chuyển nhượng thửa đất trên từ một người khác sang tên mình nên hồ sơ đã được số hóa. Do đó, khi làm thủ tục cho tặng thửa đất này, anh được cán bộ tiếp nhận giải quyết nhanh chóng.

Trên cơ sở dữ liệu số hóa đã có, cán bộ giải quyết thủ tục chỉ cần nhập thông tin của chủ sử dụng đất mới là hoàn thiện hồ sơ không cần phải khai báo, nộp các loại giấy tờ khác như lần trước. Theo cán bộ của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Hải Dương trước đây chưa có dữ liệu số hóa về đất đai, người dân đến làm thủ tục hành chính phải mất khoảng 40 phút thì nay chỉ cần 5 phút là xong.

Thời gian qua, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, nhất là các công việc liên quan đến Đề án 06 của Chính phủ, ngành tài nguyên và môi trường của tỉnh tích cực phối hợp với các cấp, các ngành liên quan thực hiện việc số hóa dữ liệu đất đai trên địa bàn. Ngành tập trung vào số hóa dữ liệu đất đai thổ cư và đất nông nghiệp.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát đầu tư bổ sung phần mềm xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, cập nhật và kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai. Sở cài đặt, sử dụng thử nghiệm phần mềm Hệ thống quản lý thông tin cơ sở dữ liệu đất đai (VBDLIST) đối với hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai và kết nối, liên thông với Trung tâm Hành chính công của tỉnh, Cục Thuế tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Cùng với đó, cập nhật vào cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 thay thế phần mềm ELIS hiện không còn đáp ứng được cấu trúc cơ sở dữ liệu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ đạo.

Sở cũng rà soát đầu tư bổ sung trang thiết bị mạng, máy trạm, thiết bị ngoại vi cho cấp tỉnh, huyện, xã đối với địa bàn chưa được đầu tư, thuê kênh truyền kết nối nội bộ tỉnh để quản lý, vận hành, khai thác, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và kết nối, chia sẻ với các sở, ngành phục vụ chính quyền điện tử tại địa phương.

Từ tháng 6/2022 đến tháng 4/2024, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã lập được hơn 100.000 hồ sơ số về đất đai. Đối với 210 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện và cập nhật thường xuyên vào cơ sở dữ liệu đất đai trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân...

Ông Nguyễn Văn Tiêu, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết khi có dữ liệu đất đai “đúng, đủ, sạch, sống” tạo thành hệ thống dữ liệu dùng chung cho các ngành thì việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận tiện, chính xác. Cơ quan nhà nước cũng như người dân giảm nhiều thời gian, chi phí, công sức, không cần rà soát, kiểm tra lại các thông tin về lô, thửa đất, người sở hữu. Công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất sẽ diễn ra thuận lợi, nhanh chóng…

Khối lượng công việc lớn

so-hoa-du-lieu-dat-dai

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Tứ Kỳ đang tích cực số hóa dữ liệu đất đai.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay toàn tỉnh có tổng số 11.080 tờ bản đồ địa chính (dạng số và dạng giấy) đang được lưu trữ, quản lý, sử dụng tại 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Trong số này, có 6.038 tờ bản đồ địa chính đất dân cư đo vẽ giai đoạn 2001 – 2019 và 5.042 tờ bản đồ địa chính đất canh tác đo vẽ giai đoạn 2004 – 2008.

Bản đồ địa chính đất dân cư trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã được đo vẽ phủ kín, đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng làm nguồn số liệu phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định. Nhưng hiện rất nhiều trường hợp ranh giới, diện tích, chủ sử dụng đất theo giấy tờ về quyền sử dụng đất được cấp trước đây không phù hợp với bản đồ địa chính đã do vẽ theo hệ tọa độ VN-2000 và hiện trạng quản lý, sử dụng. Bản đồ địa chính đất canh tác không còn phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng do thực hiện dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 – 2015.

Qua nhiều năm, công tác cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai chưa được quan tâm dẫn đến hiện trạng quản lý, sử dụng đất chưa phù hợp với hồ sơ địa chính đang lưu giữ. Hồ sơ địa chính, hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang quản lý, lưu trữ chủ yếu ở dạng giấy, không đồng bộ, thống nhất, phân tán ở nhiều đơn vị khiến việc khai thác, sử dụng những dữ liệu này cho công tác quản lý nhà nước và số hóa gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, hiện cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin phục vụ quản lý, vận hành, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ, thống nhất… Để hoàn thành việc số hóa dữ liệu đất đai cần nguồn nhân lực, vật lực lớn, thời gian dài để đo đạc, rà soát, kiểm kê, cập nhập, chỉnh lý, bổ sung.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và đến năm 2030 hoàn thành việc này.

Theo Báo Hải Dương