Sơn La đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính
Tỉnh Sơn La xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số được tập trung thực hiện trên cả 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 17 về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Tỉnh Sơn La xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số được tập trung thực hiện trên cả 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Cả 3 trụ cột này đều hướng tới người dân, trong đó xây dựng chính quyền số là để phục vụ người dân tốt hơn, kinh tế số là để người dân giàu hơn, xã hội số là để người dân hạnh phúc hơn.
Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, tăng cường khả năng tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, tỉnh Sơn La đã tập trung phát triển cung cấp các ứng dụng, dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Sơn La đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả nhất định, tạo sự đổi mới trong cách thức quản lý điều hành của chính quyền, nâng cao trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức viên chức và người dân. Qua đó từng bước định hình chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Một trong những tiện ích về chuyển đổi số mà nhiều người dân có thể cảm nhận một cách rõ ràng nhất chính là những tác động đến từ kinh tế số. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay, ngành đã vận động người dân tham gia các hoạt động: tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất; Cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, quản lý giám sát nguồn gốc; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn; Ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong quá trình sản xuất.
Trong đó hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử đã giúp các cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đã giúp người dân thay đổi cách thức quản lý và phương thức bán hàng.
Chị Hoàng Thị Thắm, Phó Giám đốc hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh 26/3 Sơn La cho hay, tiêu thụ sản phẩm thì HTX có rất nhiều kênh. Tuy nhiên, bán hàng qua nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, các nền tảng thương mại điện tử) đang mang lại hiệu quả nhất định cho HTX. Khách hàng có thể đặt hàng rất thuận tiện và dễ dàng.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội, mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức có tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Đối với ngành du lịch, chuyển đổi số cũng đã có những tác động tích cực. Những năm qua, khoa học công nghệ đã và đang góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, kết nối điểm đến với các du khách trong và ngoài nước. Du khách dễ dàng tiếp cận các thông tin địa điểm du lịch, khu vui chơi, giá cả dịch vụ qua các ứng dụng phổ biến chỉ với những từ khóa: khách sạn Sơn La, kinh nghiệm du lịch Sơn La, địa chỉ du lịch Sơn La… du khách có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn điểm du lịch phù hợp với nhu cầu.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm hành chính công, CCCD giờ đây đã thay thế cho nhiều loại giấy tờ tùy thân và là tấm thẻ thông hành cho mọi giao dịch. Chuyển đổi số đang dần tác động vào mọi mặt đời sống xã hội mang lại những trải nghiệm cho mọi dịch vụ một cách thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả. Sự hiện diện dễ dàng nhất của chuyển đổi số là phương thức mua hàng điện tử, mua sắm online ngay tại nhà hay ví điện tử, sổ sức khỏe điện tử.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đang dần trở thành người bạn đồng hành trong cuộc sống của mỗi người dân Sơn La, giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho mọi người dân về tiếp cận thông tin dịch vụ. Có thể khẳng định, chuyển đổi số đang mang lại những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống cho người dân.
Chị Vi Thị Phượng, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết: “Nhờ chiếc điện thoại thông minh, mọi việc rất thuận tiện, dân bản chúng tôi có thể xem được các chương trình trên điện thoại và gọi video để liên lạc với những người bạn ở xa”.
Năm 2024 tỉnh Sơn La sẽ tập trung huy động nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện: phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó tập trung vào phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; Số hóa dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực số; Ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng dùng chung hạ tầng số, nền tảng số đảm bảo khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để, từng bước xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số trong quản trị điều hành doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, quản lý hoạt động kinh tế; Cung cấp thông tin cho người dân, quản lý dân cư, phục vụ người dân và doanh nghiệp. |