Tạo động lực đổi mới sáng tạo
Thực tế, hầu hết các quốc gia đã hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong thời gian ngắn, gặt hái được thành công đều dựa trên sự bứt phá từ nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ mới, hiện đại.
Và động lực của sự “thay đổi vận mệnh” chính là hoạt động đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp là nòng cốt. Đây cũng là lựa chọn của Việt Nam…
Khách tham quan không gian trưng bày sản phẩm số đổi mới sáng tạo của VNPT. Ảnh: VNPT
Những bước đi đúng hướng
Việt Nam ngày càng chủ động thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khuyến khích từ nghiên cứu đến ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua huy động tối đa nguồn lực trí tuệ và vật chất để phục vụ đổi mới sáng tạo. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định như lực lượng tiên phong và quan trọng nhất trong thực hiện đổi mới sáng tạo. Đến nay, đã xuất hiện một số tên tuổi sáng giá, có sức cạnh tranh tầm khu vực về công nghệ, chứng minh được sức sáng tạo của Việt Nam, như VNPT, FPT, VinGroup. Đáng chú ý, Viettel vừa công bố sản xuất được chip 5G - bước tiến dài của trí tuệ Việt, với sự ghi nhận của cộng đồng trong và ngoài nước.
Cuối tháng 10 vừa qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã đi vào hoạt động tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Sự kiện cho thấy sự quan tâm sâu sắc cũng như quyết tâm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, xác lập quan điểm lấy công nghệ cao làm nền tảng tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao. Nói cách khác, kinh tế Việt Nam hướng tới tăng trưởng nhanh và chất lượng hơn nhờ đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế xanh - sạch, bền vững đồng thời thân thiện với môi trường.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, NIC là một trong những mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do Nhà nước làm chủ, phục vụ mục tiêu chung giúp Việt Nam nắm bắt thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá. NIC thu hút các nhà khoa học, nghiên cứu sinh làm việc, nghiên cứu công nghệ, tạo sản phẩm mới; không chỉ kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước mà còn kết nối với mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới…
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, khoa học công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo dù có những bước phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế nhất là tiềm năng trí tuệ của người Việt Nam. Trên thực tế, tốc độ tăng năng suất lao động quốc gia còn khá thấp; hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm cũng chỉ ở mức trung bình…
Nhìn chung, mức độ ứng dụng công nghệ từ mức khá đến tiên tiến chỉ chiếm không quá 30% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều đơn vị sử dụng dây chuyền sản xuất lạc hậu từ 2 đến 3 thế hệ. Bên cạnh đó, ý thức, khát vọng cũng như nguồn lực dành cho đổi mới sáng tạo của không ít doanh nghiệp còn hạn chế và bị động. Những thực tế đó ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp "đuối sức" sẽ dẫn đến suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Khách tham quan gian trưng bày các thiết bị 5G do Viettel sản xuất ứng dụng công nghệ mới nhất, đạt các tiêu chuẩn của thế giới. Ảnh: Thanh Hà
Yêu cầu hỗ trợ, tiếp sức
Thực tế đặt ra yêu cầu hỗ trợ, tiếp sức cho đổi mới sáng tạo thông qua hành động khuyến khích, chính sách hỗ trợ kết hợp đầu tư cơ sở vật chất, chế độ thu hút nhân tài. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa vinh danh 12 giải pháp xuất sắc nhất thuộc Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge) 2023 gồm các nội dung trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, chuyển đổi số…
Về phía mình, doanh nghiệp đang tự đổi mới tư duy, chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đại diện Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hay, ngay từ nhiều năm trước, Rạng Đông đã chú trọng liên kết hợp tác, đầu tư vào khoa học - công nghệ với các trường đại học lớn trong hoạt động nghiên cứu và nhờ đó giúp tạo ra tăng trưởng cũng như chuyển đổi, nâng sức cạnh tranh của đơn vị.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đổi mới sáng tạo đang có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Trong đó, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, thương mại hóa những kết quả nghiên cứu của các viện, trường; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kết nối nhu cầu giữa nhà trường và doanh nghiệp. Từ cuối năm 2022, mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng đã được tạo điều kiện hình thành…
Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế nhằm trao đổi kỹ thuật mới, tiếp thu ý tưởng mới và từng bước phát huy nội lực trong đổi mới sáng tạo cũng được chú ý thỏa đáng. Mới đây, NIC đã ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Google, Samsung, SpaceX, Intel, VinaCapital, VNPT, FPT… về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra, nhiều hoạt động thuộc lĩnh vực tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, điện tử, vật liệu mới… cũng thu hút sự chú ý của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, khả năng đổi mới sáng tạo chính là lợi thế cạnh tranh trong thời đại ngày nay, đồng thời đặt ra thách thức và cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn được coi là thành phần đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tác động đến tốc độ và kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Trong bối cảnh trên, gần đây, một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, nắm trong tay công nghệ lõi thuộc lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn đã bày tỏ ý định đầu tư vào Việt Nam, nhằm biến Việt Nam thành cứ điểm lắp ráp, sản xuất mặt hàng chiến lược này. Đó là cơ hội lớn và hiếm hoi để doanh nghiệp học hỏi, từng bước trưởng thành, phát huy tối đa năng lực đổi mới sáng tạo. Từ đó tạo ra bước ngoặt về chất cũng như sức mạnh mới của nền kinh tế.