Tháo gỡ vướng mắc hành chính để kinh tế chia sẻ cất cánh
Đại diện Grab mong muốn Việt Nam tháo gỡ quy định hành chính đang cản trở kinh tế chia sẻ, cũng như thúc đẩy sự phát triển của xe điện.
Sau gần 10 năm có mặt tại Việt Nam, Grab đã thành công trong việc xây dựng nền tảng để mang lại lợi ích tối đa cho các bên: Đối tác tài xế, nhà hàng, quán ăn, khách hàng.
Bà Đặng Thị Thuỳ Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam cho biết bí quyết sau sự thành công này đến từ quá trình liên tục cập nhật công nghệ để phát triển tính năng mới, từ việc tạo ra bản đồ nhiệt để tài xế di chuyển đến những khu vực đông khách, hay tính năng chia sẻ vị trí giữa tài xế và hành khách, giúp 2 bên tìm kiếm nhau dễ dàng hơn.
“Chúng tôi không ngừng nghiên cứu và phát triển (R&D), để các đối tác trên nền tảng Grab thu được lợi ích tối đa: Tài xế có nhiều cuốc xe, tăng thu nhập; nhà hàng tiết kiệm chi phí gửi hàng và người dùng cũng tiết kiệm thời gian, chi phí”, bà Đặng Thùy Trang phát biểu tại Hội thảo Phát triển bền vững lần thứ 3 do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 16/11.
Tuy nhiên, để kinh tế chia sẻ thực sự cất cánh, phía Grab đề xuất Việt Nam tháo gỡ các quy định hành chính đang cản trở cácdoanh nghiệp trong ngành.
Điển hình là quy định không cho phép xe hợp đồng ký nhiều hợp đồng trong một chuyến xe (Nghị định 10/2020/NĐ-CP). Điều này khiến dịch vụ cho phép các hành khách có cùng hành trình chia sẻ cùng một chuyến xe với nhau (ridesharing) không thể được triển khai. Trong khi đây là mô hình kinh tế chia sẻ điển hình, đã được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia khác như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hoa Kỳ… giúp tối ưu hoá hiệu suất sử dụng phương tiện, tiết kiệm nguồn lực, giảm ùn tắc giao thông,..
“Vì vậy, Grab kiến nghị cần sửa đổi quy định, cho phép dịch vụ chia sẻ hành trình trên cùng một chuyến xe hợp đồng, đặc biệt là những chuyến xe chia sẻ được kết nối và sắp xếp một cách minh bạch thông qua các nền tảng đặt xe trực tuyến”, đại diện Grab Việt Nam đề xuất.
Bà Đặng Thị Thuỳ Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam. Ảnh: Chí Cường
Ngoài ra, quy định về quản lý kinh doanh vận tải bằng ô tô cũng đang hạn chế việc tối ưu hiệu quả sử dụng phương tiện ô tô. Cụ thể, quy định hiện nay cho phép mỗi phương tiện vận tải chỉ được thực hiện vận chuyển hành khách hoặc vận chuyển hàng hoá, tuỳ theo phù hiệu xe kinh doanh được cấp.
Điều này gây lãng phí nguồn tài nguyên, khi một lượng lớn phương tiện như xe ô tô dưới 9 chỗ có thể được tận dụng để vận chuyển hành khách và các loại hàng hoá thông thường (không phải hàng hoá độc hại, hàng hoá ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của hành khách).
Việc sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ đa mục đích đã được triển khai an toàn, hiệu quả và thông suốt tại nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines. Do đó, Grab đề xuất cơ quan quản lý xem xét, sửa đổi quy định để cho phép việc sử dụng xe ô tô đa mục đích (vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hoá) đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Trong bối cảnh việc sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường là xu hướng chung của thế giới, Grab cho biết hãng đã hợp tác với các đối tác tại nhiều quốc gia trong khu vực để thúc đẩy ô tô điện. Việc sử dụng xe điện trong kinh doanh là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, lộ trình thực hiện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như thị trường, nguồn cung, hệ sinh thái hỗ trợ,… Tại Việt Nam, vì hệ sinh thái hỗ trợ xe điện chưa phát triển, Grab đánh giá sẽ khó khăn cho doanh nghiệp để đầu tư, chuyển đổi sang công nghệ xe điện, đặc biệt là đối với các nền tảng số không sở hữu phương tiện.
“Vì vậy, Grab đề xuất Chính phủ cần xây dựng lộ trình phù hợp để phát triểnxe điện, thông qua việc đa dạng nguồn cung xe điện, thúc đẩy hợp tác công tư để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phù hợp với xe điện”, bà Đặng Thị Thùy Trang cho biết.