Thị trường AI tạo sinh Việt Nam có quy mô 100 triệu USD
Ở Việt Nam, công nghệ AI hiện được ứng dụng phần lớn vào các dịch vụ về chăm sóc khách hàng, đặc biệt là mảng ngân hàng và sắp tới đây là bảo hiểm.
Theo khảo sát của Finastra Financial Services State of the Nation Survey 2023, Việt Nam hiện dẫn đầu về mối quan tâm đến AI tạo sinh (Generative AI), với 91% người được hỏi thể hiện sự nhiệt tình với công nghệ này, cao nhất trong số các thị trường được khảo sát.
Báo cáo Statista Market Insights nhận định, quy mô thị trường AI tạo sinh tại Việt Nam năm 2023 dự kiến sẽ đạt mốc 100,2 triệu USD. Trong đó, các ngành ngân hàng, sản xuất, bán lẻ và nông nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ việc thúc đẩy hiệu suất bởi AI tạo sinh.
Chia sẻ với VietNamNet, bà Phạm Thị Thu Diệp, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ của IBM Việt Nam cho hay, trí tuệ nhân tạo mà cụ thể hơn là AI tạo sinh sẽ là công nghệ được quan tâm nhất vào năm tới.
Theo đó, các xu hướng ứng dụng công nghệ liên quan tới AI sẽ lên ngôi. Cùng với đó, các doanh nghiệp sẽ chuyển từ “bổ sung thêm AI" sang “AI là ưu tiên hàng đầu".
Nhiều báo cáo cho thấy sự lạc quan về mức độ phát triển của thị trường AI tạo sinh cũng như nền kinh tế số Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt
Đến năm 2024, AI tạo sinh sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi vị trí và cấp độ trong bộ máy của tổ chức. Khi AI tạo sinh phát triển nhanh chóng, sẽ có ngày càng nhiều các vị trí và nhân viên ở mọi cấp độ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi AI.
Trong vòng 5 năm tới, đa số các lãnh đạo chính phủ dự kiến sẽ đầu tư nhiều hơn vào AI và tự động hóa hơn là vào con người. Việc áp dụng AI thành công phụ thuộc vào việc bộ máy nhân sự tiếp nhận, thích nghi được với các công cụ và ứng dụng AI mới. Nhân lực có thể làm việc cùng AI vì vậy sẽ dần thay thế nhân lực không có khả năng hợp tác với AI.
Với lợi nhuận to lớn mà dữ liệu mang lại, đến năm 2024, dữ liệu không chỉ là vấn đề công nghệ mà sẽ trở thành một nhu cầu cấp thiết mang tính chiến lược trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Dữ liệu sẽ không chỉ là vấn đề của khối CNTT mà còn ảnh hưởng tới việc điều hành của các cấp lãnh đạo. Năm 2024, các bảng lưu trữ dữ liệu được vận hành bởi AI tạo sinh sẽ ngày càng trở nên phức tạp, giúp người lãnh đạo nhanh chóng nhận ra vấn đề và tăng cường khả năng phản ứng.
Sự phát triển nhanh và nóng của AI tạo sinh đang tái định nghĩa lại các công việc và nhiệm vụ, từ cấp cơ bản đến cấp điều hành. Người lãnh đạo biết tận dụng sức mạnh của AI tạo sinh sẽ nhận được thành quả là các tác động cấp số nhân đối với hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Tuấn Khang, Giám đốc khối phần mềm của IBM Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt
Trước câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Khang, Giám đốc khối phần mềm của IBM Việt Nam cho hay, những lĩnh vực nào càng có nhiều cạnh tranh trong nghiệp vụ thì AI phát triển càng nhanh.
“Ở Việt Nam, ứng dụng AI tập trung phần lớn vào các dịch vụ về chăm sóc khách hàng, cụ thể là trong ngành ngân hàng, sắp tới đây là bảo hiểm và sẽ mở rộng sang cả lĩnh vực sản xuất, logistics,...”, ông Khang nói.
Từ góc nhìn của mình, các chuyên gia IBM nhận định AI tạo sinh sẽ đưa kinh tế số Việt Nam lên một tầm cao mới. Tuy vậy, trong quá trình này, thách thức lớn nhất của việc ứng dụng AI tạo sinh là vấn đề niềm tin.
Nhiều người lo sợ các mô hình AI tạo sinh bị ảnh hưởng bởi những thiên kiến từ con người, ví dụ như vấn đề phân biệt giàu nghèo, giới tính, chủng tộc. Để AI tạo sinh có thể được ứng dụng rộng rãi hơn, cần thúc đẩy phát triển AI một cách có trách nhiệm, từ đó xây dựng được niềm tin nơi người dùng.
Thống kê chỉ ra rằng, 57% doanh nghiệp khi ứng dụng AI lo lắng về bảo mật, 45% lo ngại về tính riêng tư của dữ liệu. Trí tuệ nhân tạo bắt nguồn từ dữ liệu. Do vậy, trước khi ứng dụng AI tạo sinh, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc quản lý dữ liệu đúng cách và tăng cường bảo mật. Đây là những điểm mấu chốt cần xử lý để AI tạo sinh được ứng dụng rộng rãi hơn tại Việt Nam.