Trực tiếp kết hợp trực tuyến: Nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn Bình Thuận

Ngày 13/11, huyện Hàm Thuận Bắc long trọng khai giảng lớp học đầu tiên trong chuỗi chương trình phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đây là một bước đi quan trọng, đánh dấu những nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng tại địa phương, giúp người dân nơi đây tiếp cận gần hơn với các công nghệ và nền tảng số hiện đại.

Chương trình do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông VTC NetViet tổ chức gồm 14 lớp trực tiếp (với khoảng 2.600 người tham gia) tại các huyện, thành thị kết hợp hình thức trực tuyến trên nền tảng One Touch cho khoảng 5.600 người.

ky-nang-so-nguoi-dan-nong-thon-binh-thuan

Khai giảng lớp phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn tại huyện Hàm Thuận Bắc

Lớp đầu tiên được tổ chức tại UBND huyện Hàm Thuận Bắc với sự góp mặt của 200 người thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau bao gồm: cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ hợp tác xã, cán bộ không chuyên trách thôn, bản, giáo viên các trường phổ thông của địa phương làm lực lượng nòng cốt phổ biến lại kiến thức cho thành viên của tổ chức và người dân cũng như đông đảo người dân nông thôn trong độ tuổi lao động tại các xã trên địa bàn.

Đây là một hoạt động nằm trong kế hoạch tổng thể nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng số cho người dân nông thôn tại Bình Thuận, hướng đến mục tiêu đạt tỷ lệ trên 70% người dân trong độ tuổi lao động được trang bị kiến thức và kỹ năng số cơ bản vào năm 2025. 

Trong những năm gần đây, Bình Thuận luôn quan tâm, chú trọng thực hiện các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số địa phương trong đó nguồn nhân lực số được xác định đóng vai trò quan trọng hàng đầu và được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng. Nguồn nhân lực số không chỉ là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước hay người lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp mà còn bao gồm cả người dân tại các vùng nông thôn. Họ là những người trực tiếp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và cuộc sống. Họ không chỉ thụ hưởng các lợi ích từ công nghệ số mà còn trở thành hạt nhân lan tỏa kiến thức số trong cộng đồng, để từ đó xây dựng kinh tế số, xã hội số, nông thôn mới thông minh, phát triển.

ky-nang-so-nguoi-dan-nong-thon-binh-thuan

Khung cảnh lớp học

Trên tinh thần đó, sau lớp học trực tiếp đầu tiên này, thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức 13 lớp với thời lượng tập huấn dành cho mỗi lớp là 01 ngày dưới sự hướng dẫn của các giảng viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số. Nội dung giảng dạy đa dạng và thực tế, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm liên quan đến kỹ năng tiếp cận thông tin và kỹ năng bảo vệ an toàn thông tin cho người dân nông thôn như: Tổng quan về tiếp cận thông tin trên môi trường số; Ứng dụng kỹ năng tiếp cận thông tin trên môi trường số cho người dân nông thôn; Tổng quan về An toàn thông tin trên môi trường số; Nhận biết các tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến và cách phòng tránh. Kết thúc mỗi chuyên đề học viên còn được kiểm tra và đánh giá mức độ nhận biết kiến thức.

ky-nang-so-nguoi-dan-nong-thon-binh-thuan

Học viên hào hứng tham gia học tập tại Hàm Thuận Bắc

Bên cạnh việc học trực tiếp, chương trình cũng triển khai hình thức học trực tuyến trên nền tảng One Touch – nền tảng số quốc gia tiềm năng được vận hành bởi đơn vị đồng hành chương trình – Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông VTC NetViet. Cách làm này đã và đang được triển khai rất hiệu quả tại nhiều địa phương trong những năm vừa qua như: Nghệ An, Long An, Hải Phòng… với sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của hàng chục nghìn người cho mỗi khoá học. Đối với tỉnh Bình Thuận, chương trình học trực tuyến được xây dựng thành 06 video học liệu đóng gói sẵn, nội dung bổ trợ phong phú, dễ hiểu, dễ nhớ, củng cố thêm kiến thức cho các học viên.

Hình thức học trực tuyến được thiết kế linh hoạt, cho phép học viên chủ động thời gian học tập tại nhà, cơ quan, đơn vị mình hoặc bất cứ đâu có thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động… và có thể truy cập Internet. Người tham gia sẽ được cấp tài khoản và hướng dẫn cách khai báo trên nền tảng học trực tuyến, qua đó họ có thể học theo tiến độ cá nhân và hoàn thành khóa học trong khoảng thời gian quy định là 20 ngày. Không những vậy, học viên còn được làm bài kiểm tra đánh giá và cấp giấy chứng nhận online hoàn thành sau khoá học, làm cơ sở để đánh giá chất lượng, hiệu quả tập huấn. Trong suốt quá trình học, người học cũng sẽ được đơn vị vận hành nền tảng hỗ trợ.

Thành công bước đầu của lớp học đầu tiên tại Hàm Thuận Bắc là tiền đề để các lớp học tiếp theo tiếp tục diễn ra trong không khí hào hứng sôi nổi. Qua đó, chương trình không chỉ dừng lại ở việc truyền tải kiến thức mà còn khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người dân nông thôn tham gia vào công cuộc chuyển đổi số một cách chủ động và sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Thuận.

Lưu Ly