Bộ TT&TT ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0 hướng tới Chính phủ số

Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số đã được Bộ TT&TT ban hành. Khác với 2 phiên bản trước, khung kiến trúc phiên bản mới đã được xây dựng theo hướng tiến hóa hẳn sang Chính phủ số.

Kiến trúc chính phủ điện tử là bức tranh tổng thể, mô tả các thành phần và mối quan hệ trong chính phủ điện tử, chính phủ số. Kiến trúc giống như một tấm “bản đồ”, giúp những người liên quan định vị, hình dung ra những việc đã làm và những việc sẽ phải làm, giúp kết nối, liên thông, tránh trùng lặp.

Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0 hướng tới Chính phủ số có hiệu lực từ ngày 29/12/2023, thay thế cho Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 được Bộ TT&TT ban hành cuối năm 2019.

Việc Bộ TT&TT ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản mới hướng tới Chính phủ số là nhằm hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kiến trúc chính phủ số/chính quyền số của bộ, tỉnh mình; đồng thời hình thành và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống kiến trúc chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số từ Trung ương đến địa phương. 

Từ thực tiễn triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam thời gian qua, khung kiến trúc phiên bản mới đã được nghiên cứu xây dựng và cập nhật, bổ sung một số nội dung mới so với phiên bản 2.0.

Cụ thể, cập nhật sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam và mô tả các thành phần. Trong đó, sơ đồ có bổ sung nền tảng định danh và xác thực điện tử, hệ thống định danh và xác thực điện tử và việc khai thác, sử dụng các hệ thống này theo quy định tại Nghị định 59 năm 2022 của Chính phủ và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06); bổ sung Trung tâm dữ liệu quốc gia, kho dữ liệu về con người, kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia được đề cập trong Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt.

Sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam theo Khung kiến trúc phiên bản mới.

Sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam theo Khung kiến trúc phiên bản mới.

Các mô hình tham chiếu cũng đã được cập nhật trong khung kiến trúc phiên bản mới, bao gồm: Mô hình tham chiếu nghiệp vụ (BRM), mô hình tham chiếu dữ liệu (DRM), mô hình tham chiếu ứng dụng (ARM), mô hình tham chiếu công nghệ (TRM) và mô hình tham chiếu an toàn thông tin mạng, an ninh mạng (SRM).

Trong đó, mô hình tham chiếu an toàn thông tin trong khung kiến trúc phiên bản 2.0 được đổi tên thành mô hình tham chiếu An toàn thông tin mạng, an ninh mạng để đảm bảo đồng bộ với Luật an toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng.

Các mô hình BRM, DRM, ARM được cập nhật, bổ sung để đáp ứng nhu cầu triển khai Đề án 06 và Nghị quyết 59 của Chính phủ về định danh và xác thực điện tử.

Cùng với đó, từ thực tế triển khai, khung kiến trúc phiên bản mới còn cập nhật, bổ sung vào mô hình tham chiếu công nghệ một số công nghệ mới, lược bỏ các công nghệ cũ, lạc hậu; cập nhật, bổ sung một số văn bản có liên quan mới ban hành vào các mô hình tham chiếu một cách tương ứng.

Đồng thời, cập nhật bổ sung một số nguyên tắc cơ bản trong xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử và một số nội dung khác theo các văn bản định hướng việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam hiện nay.

Khung kiến trúc phiên bản mới sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử cấp bộ cấp tỉnh phiên bản 3.0, hướng tới chính phủ số, chính quyền số.

Khung kiến trúc phiên bản mới sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử cấp bộ cấp tỉnh phiên bản 3.0, hướng tới chính phủ số, chính quyền số. (Ảnh minh họa: Hồ Giáp)

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam - VINASA nhận định, việc ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0 hướng tới Chính phủ số là kịp thời, đúng đắn trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay của Việt Nam và cũng đúng với xu hướng chung trên thế giới.

Cũng theo ông Nguyễn Tử Quảng, khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản mới đã mạnh mẽ chọn hướng tiến hóa hẳn sang chính phủ số, dù tên gọi vẫn là Chính phủ điện tử 3.0 nhưng về kiến trúc thì đã định hướng chuyển sang chính phủ số.

“Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0 hướng tới chính phủ số cũng đã nhấn mạnh được tầm quan trọng của dữ liệu, lấy dữ liệu làm trung tâm và sử dụng các nền tảng LowCode và NoCode. Các nền tảng này giúp các cơ quan, doanh nghiệp tạo ra các ứng dụng phần mềm nhanh chóng với ít hoặc không cần code để đáp ứng các nhu cầu và nghiệp vụ phát sinh trong quá trình vận hành”, ông Nguyễn Tử Quảng nhận xét.

Tại khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản mới, Bộ TT&TT cũng hướng dẫn rõ, đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng, cập nhật kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ (với bộ, ngành) và kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh (với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đảm bảo phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0 hướng tới Chính phủ số, trình Bộ trưởng/Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. 

Các chương trình, kế hoạch về ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử, chính quyền điện tử cần được cập nhật, bổ sung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm bảo đảm đồng bộ, tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số; kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ và kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh.

Theo Vietnamnet