Làm chủ “sân chơi” bảo vệ nội dung số bằng năng lực Việt
Trong danh sách 20 doanh nghiệp toàn cầu sở hữu giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số (DRM), bên cạnh những tên tuổi lớn như IBM, Google, Apple, Adobe…, có cả một thương hiệu Việt, đó là Thủ Đô Multimedia.
Làm chủ công nghệ trong lĩnh vực media (truyền thông), doanh nghiệp Việt này cung cấp cả giải pháp bảo mật với khả năng bảo vệ linh hoạt, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Nhưng để có được những dấu ấn nổi bật như thế liệu có dễ dàng?
“Khai hoang” những vùng đất mới
Năm 2008, kết thúc chương trình học tập tại Hàn Quốc, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Hân quyết định quay về Việt Nam lập nghiệp.
Với vốn kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật, viễn thông, Hân đầu quân cho một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin nhắn, nhưng không lâu sau đã quyết định tự lập “sân” riêng để có thể chủ động theo đuổi những ý tưởng mới theo cách của mình.
Công ty Cổ phần Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô - Thủ Đô Multimedia (gọi tắt là Thủ Đô) chính thức thành lập năm 2010, khi “sếp tổng” Nguyễn Ngọc Hân ở độ tuổi “tam thập nhi lập”.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia.
Với tâm thế đi “khai hoang” môi trường online (trực tuyến), "sếp tổng" của Thủ Đô và các cộng sự quyết sử dụng đội ngũ người Việt tự nghiên cứu và phát triển các ứng dụng online, trò chơi online trên điện thoại di động.
Thời ấy, ở Việt Nam, không nhiều doanh nghiệp tự làm game như Thủ Đô, mà phần lớn chọn cách nhập game từ nước ngoài về để kinh doanh.
Chọn “lối đi riêng”, Thủ Đô rất chú trọng tới khâu bảo mật vì thấy rằng làm sản phẩm online nếu không làm chủ được vấn đề bảo mật thì mọi công sức sẽ có thể “đổ sông đổ biển”. Hack game là chuyện khá phổ biến với các chương trình trò chơi trên máy tính, và càng dễ thực hiện hơn trên môi trường thiết bị di động. Mỗi lượt đi của một người chơi được tính điểm, nếu số điểm này bị can thiệp, hệ thống sẽ loạn, ảnh hưởng tới toàn bộ thông số trong trò chơi.
Một điểm cộng nữa của Thủ Đô là khả năng bảo vệ dữ liệu và phục hồi dữ liệu khi có sự cố mất kết nối Internet lúc đang chơi game online. Các sản phẩm của Thủ Đô giúp người dùng không bị ấm ức vì thắng rồi mà không được tính điểm thành tích chỉ vì “đứt mạng”.
“Những năm 2010 – 2012, thị trường khá dễ nên Thủ Đô có doanh số ngay. Sau khi làm game xong, chúng tôi chỉ cần đẩy lên các trang wap là có rất nhiều người yêu thích tải về. Những sản phẩm thành công lớn thời đó có thể kể đến Cờ thủ hay Billiard Online - có tới 40 triệu lượt tải trên toàn cầu”, ông Hân vui vẻ nhớ lại giai đoạn đầu lập nghiệp khá thuận lợi.
Nhưng từ năm 2013, khi smartphone (điện thoại thông minh) trở nên phổ biến, các doanh nghiệp phát hành game trong nước, trong đó có Thủ Đô, bị mất lợi thế thị trường nội địa bởi các nhà phát hành toàn cầu có thể quảng bá sản phẩm trực tiếp đến người dùng trên toàn thế giới.
Sớm nhận thấy sự bất ổn trong tương lai cung cấp dịch vụ trên điện thoại thông minh nếu đi theo hướng cũ, lãnh đạo Thủ Đô tìm hướng đi mới với tiêu chí giữ được “màu” của công ty Việt nhiều thế mạnh về bảo vệ nội dung, bảo vệ dữ liệu, hội tụ đội ngũ kỹ sư Việt có thể làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu, bán cho thị trường toàn cầu.
Trong mớ hỗn độn cơ hội và cả dông bão chực chờ cuốn phăng các doanh nghiệp còn quá non nớt trên thương trường, Thủ Đô quyết định “nhảy” vào mảng nghiên cứu cung cấp giải pháp cho lĩnh vực media (truyền thông) vì nhận thấy media là xu hướng phát triển của thế giới với quy mô thị trường rất lớn và đa dạng khách hàng, trong đó, bảo vệ và quản lý bản quyền nội dung số là sản phẩm “mỏ neo” bắt buộc phải có để tồn tại.
Nhắc lại những khó khăn của người đi “khai hoang”, ông Hân trải lòng: “Thực sự nhiều cái khó. Đầu tiên là không có “đồng minh”. Ngay từ những năm 2010, bản thân tôi phải mất không ít công sức đi thuyết phục các nhà mạng cấp đầu số để người dùng nạp tiền vào đọc báo hoặc chơi game, rồi hình thành cổng đầu số riêng để nạp như đầu 9029 để giải quyết các vấn đề về kịch bản thu tiền và tỷ lệ phân chia tương xứng với giá trị của nội dung cung cấp tới khách hàng. Có lẽ, vào thời đó, Thủ Đô là doanh nghiệp đầu tiên đề xuất phương thức mới này với các nhà mạng”.
Khó khăn lớn khác theo ông Hân là nhân lực. Với những lĩnh vực Thủ Đô “khai hoang”, thời điểm đầu gần như không người nào trong nước có thể hình dung một cách cụ thể những việc cần phải làm, nên không có sẵn nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công việc. Lãnh đạo Thủ Đô phải đến những trường chuyên đào tạo cho ngành công nghệ như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính – viễn thông…, đề nghị cho sinh viên từ năm thứ ba đến công ty thực tập theo hình thức trả lương cao hơn học bổng.
“Thời đó, chúng tôi trả 2 – 3 triệu đồng/tháng cho mỗi thực tập sinh. Có bạn hoàn cảnh khó khăn, số tiền đấy không những đủ thuê nhà mà còn nuôi thêm được em học năm thứ nhất đại học. Các bạn sinh viên thực tập được kỹ sư của Thủ Đô đào tạo cách tư duy, phương pháp lập trình cập nhật trên thế giới. Nhiều sinh viên sau đó trở thành nhân viên chính thức của công ty, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc mới trong bối cảnh ngành công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, nhiều kiến thức thực tế chưa từng được đề cập trong sách vở. Một nét văn hóa rất riêng của Thủ Đô, phần lớn “trụ cột” đều từng là thực tập sinh, luôn sẵn sàng “vững tay chèo” cùng công ty vượt qua những lần vấp ngã, thách thức, vươn lên vị thế doanh nghiệp dẫn đầu”, ông Hân hồi tưởng.
Tự hào doanh nghiệp Việt
Thủ Đô là doanh nghiệp đầu tiên ở Đông Nam Á có giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số (tên thương mại Sigma DRM) được kiểm định thành công, đưa Việt Nam vào danh sách 20 nước có giải pháp DRM trên toàn cầu.
Thủ Đô Multimedia là 1 trong 12 doanh nghiệp trên thế giới có phát minh DRM trong lĩnh vực media.
“Trên thế giới, hiện mới có 12 doanh nghiệp phát minh được giải pháp bản quyền trong lĩnh vực media, với những tên tuổi lớn như IBM, Adobe, Apple, Google, Microsoft… Rất tự hào khi Thủ Đô Multimedia được đứng chung danh sách với các ông lớn như vậy”, CEO Nguyễn Ngọc Hân nói.
Thế nhưng, hành trình để có được điều đáng tự hào ấy cũng đầy gian nan.
“Khi làm xong giải pháp, câu chuyện tiếp theo là phải được tổ chức uy tín quốc tế kiểm định và công nhận. Chúng tôi đã gửi email tới một tổ chức kiểm định quốc tế uy tín. Nhưng gửi cả chục email họ cũng không trả lời. Gọi điện thoại mời sang, thậm chí sẵn sàng trả đủ mọi chi phí yêu cầu, họ vẫn từ chối vì không tin rằng lĩnh vực này doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được. May sao trời thương. Chúng tôi tìm được một người Việt Nam nổi tiếng và có uy tín trong lĩnh vực truyền hình, media trên toàn cầu. Nhờ sự tiến cử của nhân vật uy tín đó, cuối cùng, tổ chức kiểm định quốc tế mới đồng ý sang Việt Nam làm việc.
Thách thức tiếp đến là quá trình kiểm định rất khắt khe. Nguyên tắc bất biến trong kiểm định bảo mật đó là: Nếu môi trường làm việc, nhân sự, máy móc không được bảo đảm thì khó làm ra sản phẩm đủ an toàn. Do đó, họ không chỉ kiểm định phần mềm mà yêu cầu toàn bộ cơ sở vật chất, quy trình người vào ra Thủ Đô phải tuân thủ ISO27000. Thủ Đô được “thổi một làn gió mới” về an ninh trong sản xuất. Cuối cùng, Sigma DRM cũng đã được kiểm định thành công và công bố đạt tiêu chuẩn bảo mật toàn cầu. Hy vọng mình sẽ là case study (trường hợp điển hình) để các tổ chức quốc tế thay đổi suy nghĩ, quan điểm về doanh nghiệp Việt”, ông Hân kể lại trải nghiệm đã qua.
“Nếu nói về doanh nghiệp cung cấp giải pháp OTT media toàn diện có cả DRM thì hiện nay Thủ Đô là doanh nghiệp duy nhất trên thị trường thế giới. Bởi vì như chúng ta biết, chỉ có 20 doanh nghiệp trên toàn cầu có phát minh DRM, và những “ông lớn” kia chỉ phát triển chuyên về một mảng nghiệp vụ cụ thể. Trong giải pháp toàn diện của Thủ Đô Multimedia, có thể một số phần mềm không thuộc diện xuất sắc nhưng cũng đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản. Chúng tôi đã soạn sẵn menu cho một bữa tiệc buffet, khách hàng có thể chọn tất các món hoặc một số món theo sở thích, không mất công lựa chọn rồi ghép các giải pháp của nhiều nhà cung cấp vào để sử dụng”, CEO Thủ Đô tự tin khẳng định.
Mới đây, một sự cố liên quan tới giải pháp bảo vệ Widevine DRM của Google - bị hacker tung toàn bộ mã nguồn lên Internet, khiến nội dung trên 4 tỷ thiết bị trong hệ sinh thái Android và khoảng 2,6 tỷ thiết bị sử dụng trình duyệt Chrome có sử dụng Widevine không thể bảo vệ được bản quyền. Thủ Đô Multimedia một lần nữa chứng minh được năng lực với các đối tác lớn tại Việt Nam khi chỉ có Sigma DRM chống được sự tấn công bởi khả năng bảo mật ưu việt hơn so với các doanh nghiệp cung cấp DRM nước ngoài khi đã xây sẵn lớp bảo vệ thứ ba trong khi các doanh nghiệp chỉ xây dựng hai lớp bảo vệ cho giải pháp DRM.
Theo đánh giá của Cartesian, lớp bảo mật chủ động quan sát Sigma Active Observer- SAO của Thủ Đô là giải pháp DRM đầu tiên có lớp thứ ba như vậy.
Làm chủ công nghệ, tạo ưu thế cạnh tranh hơn “hàng ngoại”
Ngay từ khi thành lập, lãnh đạo Thủ Đô đã xác định công ty phải làm chủ công nghệ và hoạt động theo chuẩn mực quốc tế cả về sản phẩm và con người.
Năm 2016, Thủ Đô kết hợp với VTVCab ra mắt nền tảng truyền hình OTT mang tên VTVcab ON, nền tảng đầu tiên hoàn toàn được nghiên cứu, xây dựng bởi người Việt, không chỉ tiên phong phát hình 4K trên Internet mà còn là hệ thống duy nhất cho đến bây giờ toàn bộ kênh nội dung từ miễn phí đến trả phí đều được bảo vệ bằng DRM. Khi quản lý được nội dung, “nhà đài” sẽ linh hoạt trong việc cấp phép thời gian nội dung được xem miễn phí, giờ nào sẽ thu phí, không phải trả tiền băng thông cho những nội dung bị kẻ xấu “ăn trộm”.
"Sếp" Nguyễn Ngọc Hân rất tự hào về đội ngũ kỹ sư của Thủ Đô Multimedia.
Hãnh diện về đội ngũ kỹ sư thực sự thông minh và khéo léo, ông Hân khoe những giải pháp mang thương hiệu Sigma của Thủ Đô còn có ưu thế hơn cả “hàng ngoại”. Minh chứng là Sigma Transcoder có thời gian xử lý nhanh hơn các máy chuyển mã của đối thủ “sừng sỏ” trên thế giới đến 2,5 giây, trong khi với truyền hình, chậm 1 khắc thôi đã là cả một vấn đề lớn.
Đặc biệt, theo ông Hân, máy chủ nào về tay các kỹ sư Thủ Đô, khi cài phần mềm Sigma cũng trở thành thiết bị ESG (phát triển bền vững) bởi vì được xử lý theo từng micro service (vi dịch vụ). Đơn cử Sigma Transcoder, với nhà cung cấp nước ngoài thì 1 máy chủ thông thường chỉ cho phép xử lý 8 luồng kênh vào, còn Thủ Đô có thể xử lý gấp khoảng 3 lần do xử lý luồng HD trên GPU, còn các luồng thấp hơn thì sử dụng CPU.
“Thiết bị chúng tôi mua có giá giảm khoảng 30% so với nhà cung cấp ngoại, hiệu suất vẫn có thể tăng lên 60%. Vấn đề không chỉ đơn giản là giảm giá mà cái chính là mình làm chủ được thiết bị, tối ưu hóa những thế mạnh ở trong một thiết bị để giải quyết các vấn đề, lại có thể đo đếm được. Các đối tác nước ngoài khi Thủ Đô Multimedia tới chào hàng đều rất hài lòng về điều này bởi sẽ giúp họ có sở cứ để hướng đến ESG– xu thế cả thế giới đang quan tâm”, ông Hân phân tích thêm.
Đánh giá về giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số của Thủ Đô tại một hội thảo gần đây, ông Phạm Anh Tuấn, đại diện FPT Play nhận định: “Đây là công nghệ mới, nổi bật, có thể áp dụng đặc thù cho Việt Nam cũng như các nước trong khu vực. Ứng dụng công nghệ này hơi khác biệt so với những gì người khác đã làm”.
Nhiều năm gắn bó với lĩnh vực bản quyền và bảo mật, “thuyền trưởng” của Thủ Đô hiện vẫn mang nhiều trăn trở, lo lắng với thực trạng nước nhà: “Càng hội nhập sâu trong lĩnh vực công nghệ thì vấn đề an toàn, an ninh dữ liệu càng phải được đặt lên hàng đầu. Theo chúng tôi, giai đoạn tiếp theo của chuyển đổi số chính là chuyển đổi media trong tất cả các ngành, từ y tế, giáo dục… Tất cả dữ liệu của những ngành này cần phải được bảo vệ theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Thế nhưng dữ liệu camera an ninh trong các gia đình, doanh nghiệp và nơi công cộng ở Việt Nam hiện nay vẫn chỉ được lưu trữ không bảo mật, dẫn tới không ít vụ lọt lộ dữ liệu từ camera. Tôi thấy rất lo và thực sự muốn nhắn lời cảnh tỉnh, kêu gọi sự quan tâm của các bộ, ban, ngành về vấn đề này. Với năng lực làm chủ công nghệ tiêu chuẩn quốc tế, Thủ Đô sẵn sàng đồng hành giảm thiểu những rủi ro bảo mật”.
Bắt đầu vươn ra thị trường thế giới
“Chúng tôi luôn tin rằng người Việt có khả năng làm ra được những sản phẩm, phần mềm không hề kém so với thế giới. Mình tự tin người Việt mình làm được. Thực tế đã chứng minh trong suốt những năm vừa qua”, CEO Nguyễn Ngọc Hân nhấn mạnh.
Cho tới thời điểm hiện tại, giải pháp DRM của Thủ Đô đã chinh phục phần lớn đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn sau khi sử dụng giải pháp của Thủ Đô đã “nói lời tạm biệt” với giải pháp của đối tác nước ngoài.
Hơn thế, danh sách khách hàng của doanh nghiệp Việt đang dần bổ sung nhiều thương hiệu quốc tế uy tín, điển hình như một hãng truyền hình lớn nhất Đông Nam Á.
Từ đầu năm 2023, Thủ Đô bắt đầu triển khai những bước đi cụ thể để tiến ra thị trường quốc tế.
Theo kế hoạch, doanh nghiệp Việt sẽ đặt hiện diện đầu tiên ở thị trường Mỹ, sau đó là Đông Nam Á.
“Mỹ là thị trường khó tính nhưng đang là thị trường lớn nhất trên thế giới. Nếu giải quyết được nhu cầu của các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực media thì sẽ đi được toàn cầu. Mới đây, chúng tôi đã trở thành thành viên liên minh với một doanh nghiệp Mỹ. Thông qua đó, việc tiếp cận thị trường Mỹ sẽ dễ hơn. Rất có thể chúng tôi sẽ là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên cung cấp giải pháp media cho khách hàng Mỹ. Kỳ vọng của chúng tôi là trong năm 2024 sẽ có doanh nghiệp toàn cầu ở nước ngoài sử dụng giải pháp của Thủ Đô Multimedia, và sau đó sẽ có thêm khách hàng lớn ở nhiều quốc gia khác nữa”, ông Hân dự tính.
Hiểu rằng hành trình vươn ra thị trường thế giới sẽ có rất nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ nước ngoài giàu tiềm lực về công nghệ cũng như kỹ năng, kinh nghiệm thương trường, Thủ Đô đang tìm nhiều hướng để tăng năng lực.
Tổng Giám đốc Thủ Đô Multimedia vừa tham gia chương trình trao biên bản thỏa thuận hợp tác với Dự án IPSC hồi đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.
Đầu tháng 10/2023, Thủ Đô là một trong 6 doanh nghiệp đầu tiên được nhận Gói hỗ trợ cao cấp từ Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nhằm lựa chọn các doanh nghiệp tiên phong có sản phẩm Việt Nam sáng tạo, có tính cạnh tranh để mang ra thị trường quốc tế. Gói hỗ trợ này sẽ tạo thêm lực đẩy cho hành trình vươn ra biển lớn của doanh nghiệp Việt.
Đánh giá cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp vươn tầm thế giới, CEO Nguyễn Ngọc Hân đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét hình thành một bộ phận đánh giá định kỳ những sản phẩm, giải pháp “Make in Vietnam” đã được thị trường quốc tế công nhận, chấp nhận, để có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp “bứt tốc” tốt hơn ở chặng đường phía trước.