Xây dựng thành phố thông minh hướng trọng tâm vào người dân
Đây là 1 trong 3 xu hướng nổi bật trong phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam, theo tổng hợp, đánh giá của các chuyên gia Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam.
Thời gian qua, Quyết định 950 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ‘Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030’, mở ra các định hướng trong hợp tác, phát triển giữa chính quyền đô thị các cấp với các doanh nghiệp, đối tác trong nước và quốc tế.
Việc triển khai đề án này, theo đánh giá của các chuyên gia Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), cũng đang dần định hình một số xu hướng nổi bật trong xây dựng đô thị thông minh, đáng sống, phát triển bền vững tại Việt Nam.
Xây dựng thành phố thông minh hướng trọng tâm vào người dân, doanh nghiệp
Cùng với xu hướng chuyển đổi số toàn diện, chính quyền đô thị từ cấp trung ương đến địa phương đến nay đều đã xây dựng đề án thành phố thông minh, tập trung trước tiên vào thông minh hóa hệ thống quản lý, vận hành chính quyền đô thị, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số.
Ghi nhận tại sự kiện Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2023 vừa diễn ra ngày 29 - 30/11, hiện nhiều thành phố, đô thị đã chú trọng xây dựng thành phố thông minh bền vững, hướng trọng tâm đến người dân và doanh nghiệp.
Nền tảng Huế-S của tỉnh Thừa Thiên Huế là một ví dụ điển hình cho xu hướng xây dựng thành phố thông minh hướng trọng tâm vào người dân. (Ảnh: V.Sỹ)
Một minh chứng cho xu hướng này là nền tảng Huế-S của tỉnh Thừa Thiên Huế. Với định vị là một siêu ứng dụng, Huế-S đang tích hợp, cung cấp nhiều dịch vụ của chính quyền tới người dân và doanh nghiệp.
Ứng dụng cũng cho phép người dân tham gia giám sát, phản ánh các vấn đề phát sinh với tỉ lệ phản ánh được giải quyết rất nhanh chóng, kịp thời đạt trên 95%.
Từ đó, góp phần tích cực giải quyết nhiều vấn đề xã hội của địa phương trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, giáo dục…
Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, TP.HCM đã cầu thị, áp dụng hệ thống thu phí cảng biển thông minh, hỗ trợ quản lý các phương tiện ra vào bến cảng một cách nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch, góp phần tăng thu ngân sách; và quan trọng hơn cả là giúp 68.000 doanh nghiệp làm xuất nhập khẩu, hậu cần, logistic tiết kiệm thời gian, chi phí, có thể thông quan nhanh chóng.
Xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất làm ‘bộ não’ của đô thị thông minh
Để phát triển thành phố thông minh, bền vững, chính quyền đô thị trong khu vực và thế giới đang hướng tới xây dựng, chuẩn hóa hạ tầng dữ liệu số thống nhất và xuyên suốt với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, kiến trúc dữ liệu hoàn chỉnh; danh mục và tiêu chuẩn kết nối được chuẩn hóa; cơ chế thu thập, khai thác dữ liệu minh bạch, hiệu quả. Nhiều đô thị Việt Nam đang hướng tới các mục tiêu này.
Là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển hạ tầng số và thể chế số theo báo cáo DTI 2022, TP.HCM đã triển khai và tích hợp dữ liệu từ các hệ thống thoát nước, chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh, xử lý nước thải, dữ liệu hạ tầng giao thông, dữ liệu điện lực, cấp nước, bản đồ địa chính, địa hình, quy hoạch đô thị về kho dữ liệu dùng chung. Cổng dữ liệu của thành phố và cổng dữ liệu mở cũng sẽ được triển khai, chia sẻ để người dân, doanh nghiệp cùng khai thác và sử dụng.
Với quan điểm coi dữ liệu số là ‘huyết mạch’ để xây dựng thành phố thông minh, Chủ tịch UBND Đà Nẵng đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất và tập trung.
Đóng vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận/huyện, OC chuyên ngành, các ứng dụng và hệ thống, Trung tâm IOC thế hệ mới của Đà Nẵng phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành; chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan, phục vụ quản lý nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ chính quyền đô thị.
Đến nay, Đà Nẵng đã cung cấp gần 1.000 tập dữ liệu trên Cổng dữ liệu mở thành phố, đồng thời đã tích hợp, chia sẻ gần 100 tập dữ liệu từ Cổng dữ liệu mở thành phố lên Cổng dữ liệu quốc gia.
Đến nay, các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, VNPT, FPT đang triển khai hơn 100 trung tâm điều hành thông minh cho các đô thị tại Việt Nam. (Ảnh: M.Quyết)
Là một địa phương biên giới, Tây Ninh đã xây dựng mô hình trung tâm xử lý điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm - IOC thế hệ mới, với 3 tầng hệ thống gồm thu thập thông tin dữ liệu; phân tích xử lý dữ liệu, hỗ trợ quản lý điều hành; và phân phối, khai thác dữ liệu cho các cấp quản lý, người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống tích hợp bộ chỉ tiêu 15 ngành trong đó 4 bộ chỉ tiêu có hỗ trợ cảnh báo tự động.
Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay: “Chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất sẽ tạo điều kiện phát triển các đô thị thông minh bền vững trong dài hạn, dù có sự thay đổi về cơ chế quản lý, nhà cung cấp giải pháp, hay các chỉ tiêu phát triển”.
Phát triển các khu công nghiệp thông minh
Việt Nam đang là điểm đến rất hấp dẫn của các ‘ông lớn’ trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ cao. Với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về Net Zero năm 2050, yêu cầu của hội nhập và các đối tác, các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp đang bước vào cuộc đua mới: Phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh.
Với trên 30 cụm và khu công nghiệp hoạt động, Bình Dương đang chuyển đổi dần các khu công nghiệp truyền thống sang thông minh và sinh thái, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.
Một ví dụ về xu hướng này, VSIP - đơn vị phát triển Bất động sản công nghiệp lớn nhất Việt Nam đã ký hợp tác với 9 tỉnh, thành phố phát triển khu công nghiệp thông minh.
Hiện nay, VNTT - Becamex đã hoàn thiện giải pháp khu công nghiệp thông minh với hệ thống nhà xưởng, tòa nhà điều hành, trung tâm vận hành, an ninh, bãi xe thông minh.
Hay với Công ty cổ phần phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản (JSC), để phục vụ các nhà đầu tư, đơn vị này đã phát triển tại Nhơn Trạch hệ thống nhà xưởng thông minh với các hệ thống quan sát 3D, các dịch vụ công nghệ thông minh cùng hệ thống điện mặt trời, quan trắc môi trường.