Đầu tư 11 tỷ đồng thực hiện mô hình xã nông thôn mới thông minh đầu tiên ở Nam Định
Để xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh đầu tiên, tỉnh Nam Định chủ trương đầu tư 11 tỷ đồng cho xã Giao Phong (huyện Giao Thủy).
Ngày 18/3/2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề xuất mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh tại xã Giao Phong, huyện Giao Thủy. Mô hình này sẽ được triển khai trong giai đoạn 2023-2025, trong đó, kinh phí thực hiện trích từ nguồn ngân sách Trung ương là 5,5 tỷ đồng, ngân sách huyện là 01 tỷ đồng, còn lại 4,5 tỷ đồng dựa vào việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, tổng kinh phí là 11 tỷ đồng.
Nhà văn hóa xã Giao Phong, huyện Giao Thủy
Quyết định phê duyệt mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh được UBND tỉnh Nam Định ban hành trong bối cảnh xã Giao Phong đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (nổi bật về lĩnh vực giáo dục) từ năm 2022 và là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn này.
Xây dựng thành công mô hình nông thôn mới thông minh sẽ tạo một xã hội nông thôn “dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao”. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn - thành thị.
Việc xây dựng mô hình này do UBND xã Giao Phong đảm nhiệm cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của UBND huyện Giao Thủy, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định và một số đơn vị liên quan.
Theo đó, xã Giao Phong phấn đấu đến năm 2025 thực hiện thành công nội dung các tiêu chí. Xây dựng thành công xã nông thôn mới thông minh Giao Phong đảm bảo 03 trụ cột “Chính quyền số”, “Kinh tế số” và “Xã hội số”.
Mô hình này được xây dựng dựa trên 6 nội dung trụ cột và các tiêu chí theo Hướng dẫn số 3445/BNN-VPĐP. Với tinh thần lồng ghép và sử dụng tối đa các nguồn lực, các hệ thống phần mềm và hạ tầng đã được trang bị đồng bộ, xã Giao Phong xây dựng “Mô hình thí điểm Xã Nông thôn mới thông minh Giao Phong” triển khai các giải pháp và ứng dụng, hệ thống CNTT.
Mô hình xác định xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số thông qua việc tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, kết nối công nghệ, kết nối xã hội; xây dựng và phát triển hạ tầng số trong đó tỷ lệ đáp ứng đường thuê bao kết nối Internet trên số hộ ̣dân của xã đạt 85%. Tỷ lệ phủ sóng mạng di động trong phạm vi xã (4G/5G) đạt 95%, 100% các điểm công cộng có mạng wifi miễn phí phục vụ nhu cầu của người dân.
Để tiến tới xã nông thôn mới thông minh, xã phấn đấu 90% hộ dân có ít nhất 01 thiết bị điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet; 100% cán bộ xã, thôn sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế, dịch vụ (dịch vụ thanh toán trực tuyến, y tế, giáo dục), quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh trật tự, xã hội (thông qua hệ thống camera giám sát an ninh, kết hợp ứng dụng phần mềm hỗ trợ giám sát thông minh; ứng dụng tương tác và xử lý phản ánh về an ninh trật tự của người dân cho chính quyền xã)…
Thành công của mô hình sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.