Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng báo chí Vĩnh Phúc chuyên nghiệp

Báo Vĩnh Phúc đã liên tục chuyển đổi số “làm mới mình" với chiến lược thay đổi nội dung, đa dạng các hình thức chuyển tải thông tin tới bạn đọc trên cả 2 loại hình báo in và báo điện tử.

Với những mục tiêu và giải pháp, lộ trình cụ thể, chiến lược chuyển đổi số (CĐS) và phát triển báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai sẽ tiếp tục thúc đẩy CĐS mạnh mẽ tại các cơ quan báo chí của tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí Vĩnh Phúc theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Hệ thống Tổng khống chế tại Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh giúp số hóa tất cả các quy trình sản xuất chương trình truyền hình. Ảnh: Trà Hương

Xác định rõ cơ hội cũng như những thách thức trong công cuộc CĐS, để bắt kịp xu thế truyền thông số với phương châm “Lấy độc giả làm trung tâm”, Báo Vĩnh Phúc đã liên tục “làm mới mình" với chiến lược thay đổi nội dung, đa dạng các hình thức chuyển tải thông tin tới bạn đọc trên cả 2 loại hình báo in và báo điện tử.

Báo Vĩnh Phúc đã đưa vào vận hành phần mềm Tòa soạn điện tử, giúp việc quản trị, lưu trữ, tìm kiếm các bài viết của phóng viên nhanh chóng, hiệu quả. Việc số hóa quy trình sản xuất các ấn phẩm báo chí đã tạo bước tiến mạnh mẽ giúp Báo Vĩnh Phúc nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành, giám sát quá trình tác nghiệp của từng bộ phận, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Bên cạnh đó, từ việc sử dụng cùng một nội dung như tác phẩm đăng báo in, hiện nay, các tin, bài, ảnh trên ấn phẩm Báo Vĩnh Phúc điện tử được xây dựng theo bố cục phù hợp với việc đọc báo trên các thiết bị điện tử.

Năm 2020, ứng dụng Báo Vĩnh Phúc điện tử dành riêng cho thiết bị di động cầm tay ra đời đã được độc giả đón nhận và ưa thích. Báo Vĩnh Phúc điện tử cũng chú trọng phát triển loại hình video, xây dựng Fanpage Báo Vĩnh Phúc trên các trang mạng xã hội để tiếp cận với nhiều độc giả hơn.

Để đáp ứng các yêu cầu CĐS trong hoạt động, hiện Báo Vĩnh Phúc đang xây dựng Đề án Tòa soạn hội tụ đa phương tiện; đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án nâng cấp phần mềm tòa soạn điện tử và đầu tư trang, thiết bị như nâng cấp phần mềm điều hành tòa soạn; thiết kế giao diện mới báo điện tử đảm bảo khoa học, tiện ích hơn, phù hợp thị hiếu độc giả; đầu tư các trang, thiết bị trường quay và hệ thống thiết bị tiền kỳ lưu động hiện đại phục vụ công tác chuyên môn…

Cùng với Báo Vĩnh Phúc, những năm qua, Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) tỉnh đã quan tâm đầu tư, từng bước số hóa các khâu của quy trình sản xuất, phát sóng. Hệ thống thiết bị kỹ thuật phát thanh, truyền hình của đài đã được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại, đảm bảo yêu cầu dịch chuyển theo hướng số hóa.

Từ năm 2010, Đài PH-TH tỉnh đã phối hợp với VNPT đưa kênh truyền hình Vĩnh Phúc phát trên hệ thống truyền hình MyTV và tháng 4/2023, Đài PT-TH tỉnh là 1 trong 3 đài địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn làm điểm để triển khai phát sóng trên nền tảng truyền hình số quốc gia (VTVgo).

Trang thông tin điện tử của đài đã được đầu tư, nâng cấp trở thành trang website thông minh, tích hợp nhiều công nghệ mới, đáp ứng xu thế của báo chí internet hiện đại, giúp công chúng có thể nghe, xem chương trình phát thanh, truyền hình và đọc tin tức mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị.

Đặc biệt, việc đưa vào vận hành hệ thống Tổng khống chế từ năm 2021 đã giúp số hóa tất cả các quy trình sản xuất chương trình truyền hình, đảm bảo đồng bộ từ dữ liệu thô đến sản xuất hậu kỳ, thẩm định, phát sóng các chương trình...

Thông qua ứng dụng các công nghệ số đã tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ, giúp các cơ quan báo chí của tỉnh từng bước tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng, làm tốt hơn nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy CĐS trên lĩnh vực báo chí, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến lược CĐS và phát triển báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể đến năm 2025 có 100% cơ quan báo chí của tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số, Báo Vĩnh Phúc và Đài PT-TH tỉnh sử dụng nền tảng phân tích, xử lý tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí của tỉnh vận hành hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số…

Để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch báo chí, phát triển các sản phẩm báo chí số, ứng dụng nền tảng số cho các cơ quan báo chí tỉnh; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí tỉnh…

Với những mục tiêu và giải pháp, lộ trình cụ thể cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, các cơ quan báo chí của tỉnh sẽ tiếp tục “chuyển mình” mạnh mẽ cùng CĐS.

Qua đó, từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội với phương châm “Độc giả ở đâu, báo chí ở đó”.

Đồng thời, làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số…

Theo Báo Vĩnh Phúc