Hoàn thiện nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, xây dựng chính phủ số
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) được khai thác đồng bộ, góp phần tạo sự chuyển biến trong xây dựng chính phủ số.
Đoàn viên phường Long Hưng, quận Ô Môn, hướng dẫn người dân quét mã QR thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: CTV
CSDLQG về dân cư, hiện đã lưu thông tin của khoảng 99 triệu nhân khẩu, đạt trên 99% dân số Việt Nam; kết nối với 15 bộ, ngành và tất cả 63 tỉnh, thành; 4 doanh nghiệp (DN). CSDLQG về đăng ký DN, đã kết nối 13 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành, với khoảng 41 triệu giao dịch; lưu trữ dữ liệu của hơn 1,6 triệu DN và hơn 200.000 đơn vị trực thuộc DN; lưu trữ thông tin đăng ký của khoảng 2,4 triệu hộ kinh doanh, trong đó có hơn 260.000 hộ kinh doanh được chuẩn hóa dữ liệu, lưu trữ dữ liệu khoảng 30.000 hợp tác xã và đơn vị trực thuộc; tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử đạt 92,58%.
Đối với CSDLQG về bảo hiểm, đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 9 bộ, ngành; quản lý khoảng 32 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm; khoảng 17,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 88,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đồng bộ hơn 132 triệu lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với CSDLQG về dân cư. CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc, hiện đã triển khai tại tất cả các tỉnh, thành, với hơn 50.000 người dùng.
Ngoài ra, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính, tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ chính phủ số. Số bộ, ngành, địa phương đã triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đạt 71,43%. Các tỉnh, thành đã thành lập 80.700 tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 379.000 thành viên tham gia. Các thành viên của tổ tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và các nền tảng số khác.