Nghiêm cấm yêu cầu người dân cung cấp thông tin, giấy tờ đã được số hóa
Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nghiêm cấm việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Chỉ thị 27 về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 27/10.
Chỉ thị này nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả cắt giảm, đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tại chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện để đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính. Tập trung đẩy mạnh rà soát, mạnh dạn sửa đổi, bổ sung hoặc dứt khoát đề xuất các cấp có thẩm quyền bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tuân thủ, nhất là của người dân, doanh nghiệp tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành.
Theo dõi sát, kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm gây tốn kém chi phí, thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh minh họa: M.Quyết)
Việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ thủ tục hành chính cũng được yêu cầu phải được thực hiện nghiêm theo quy định. Các bộ, ngành trước ngày 15/12 phải hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
100% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và phải liên thông, đồng bộ với cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.
Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng với đó, 100% UBND cấp xã triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; khẩn trương hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo đúng tiến độ, đồng thời kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Giữa tháng 12/2023 cũng là thời hạn các bộ, tỉnh sẽ phải hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
“Nghiêm cấm việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo đúng quy định”, Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Cũng tại chỉ thị mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; thực hiện nghiêm công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, nhất là các nhóm thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông...
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, đã nỗ lực gắn kết với chuyển đổi số quốc gia theo hướng số hóa, tái sử dụng dữ liệu; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp; cơ chế, chính sách, quy định trong thực hiện thủ tục hành chính tiếp tục được hoàn thiện; dịch vụ công trực tuyến tăng cả về số lượng và chất lượng; việc số hóa, chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử và tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đều có chuyển biến tích cực so với năm ngoái.
Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành tăng 1,5 lần, của địa phương tăng 1,8 lần so với năm 2022; tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết điện tử của bộ, ngành tăng 13,7%, địa phương tăng 25,8% so với cùng kỳ.
Việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của bộ, ngành đạt 81,39%, và địa phương đạt 70,24%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hoặc sớm hạn tăng 10% với cùng kỳ năm ngoái...
Tuy vậy, phản ánh của người dân, doanh nghiệp cho thấy, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ không đúng quy định; một số dịch vụ công trực tuyến thực hiện còn phức tạp, không đơn giản, thuận lợi.
Việc tăng số lượng hồ sơ trực tuyến ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực chất; số hóa, tái sử dụng kết quả số hóa ở một số bộ, cơ quan, địa phương chưa đạt yêu cầu; việc phối hợp trong xử lý hồ sơ thủ tục hành chính còn chưa hiệu quả; chưa kịp thời tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp...