Nỗ lực đưa công nghệ vào trường học
Thời gian gần đây, cụm từ “ứng dụng công nghệ số” đã trở nên khá phổ biến trong các trường học, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần số hóa mạnh mẽ ở các cơ sở giáo dục.
Trường THCS Đông Hương (TP Thanh Hóa) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động dạy học.
Năm học 2023-2024, Trường THCS Đông Hương (TP Thanh Hóa) có 451 học sinh. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhà trường đã huy động các nguồn lực để bổ sung hệ thống ti vi thông minh, bảng từ thông minh, nâng cấp hệ thống đường truyền internet đến 12/12 lớp học...
Cô Chu Thị Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Hương, cho biết: Ứng dụng công nghệ số vào trường học là xu thế tất yếu, khách quan, các nhà trường nếu không bắt nhịp kịp thời sẽ bị tụt lại phía sau. Tại Trường THCS Đông Hương, không chỉ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong hoạt động giảng dạy mà còn trong mọi hoạt động quản lý, hồ sơ, sổ sách... Từ năm học 2023-2024, nhà trường đã chính thức đưa vào sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, giáo án điện tử... Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số đã giúp nhà trường đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp tiết học trở nên phong phú, lôi cuốn học sinh, từ đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào trường học cũng mang lại những tín hiệu tích cực đối với hoạt động giáo dục của Trường Tiểu học Đông Hải 1 (TP Thanh Hóa). Cô Lê Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Hải 1, cho biết: Từ hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý học sinh đến quản lý trường học, tổng hợp thông tin, báo cáo các cấp quản lý... đều được thực hiện một cách khoa học, giúp nhà trường “nhàn” hơn trong việc làm giấy tờ, sổ sách. Đặc biệt, việc kết nối, chia sẻ thông tin, tình hình học tập, hoạt động của con tại trường cũng trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn, từ đó giúp tăng cường kết nối giữa nhà trường và phụ huynh, học sinh.
Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện, ngành giáo dục TP Sầm Sơn đã đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xây dựng thí điểm mô hình trường học thông minh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”, hướng đến xây dựng phòng học tương tác theo mô hình trường học thông minh 4.0... Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã tuyên truyền, vận động và khuyến khích cán bộ, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động chuyên môn và quản lý; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT; thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc đầu tư và ứng dụng CNTT tại các cơ sở giáo dục.
Đến nay, 100% nhà trường đều được trang bị từ 2 đường truyền internet ổn định, tốc độ cao trở lên và mạng nội bộ wifi đến các dãy phòng học, đa số giáo viên có máy tính cá nhân đảm bảo tốt cho việc truy cập internet, hội họp trực tuyến, dạy học và sử dụng giáo án điện tử. Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp với các đơn vị viễn thông đưa internet, các phần mềm ứng dụng CNTT vào quản lý, giảng dạy ở các nhà trường. Đặc biệt, các nhà trường đã tạo tài khoản cá nhân cho giáo viên và thực hiện trình duyệt giáo án điện tử bằng chữ ký số; sử dụng hệ sinh thái VnEdu để trao đổi sổ liên lạc điện tử; sổ điểm điện tử; cổng thông tin điện tử nhằm cung cấp thông tin, kết nối rộng rãi tới cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và người dân về hoạt động của ngành và của các nhà trường; 100% cán bộ, giáo viên có hộp thư điện tử để trao đổi thông tin, công việc; 100% trường mầm non cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu ngành có gắn mã định danh cá nhân của trẻ, công tác tuyển sinh trong năm học, thanh toán học phí không dùng tiền mặt; sử dụng phần mềm tính khẩu phần ăn đảm bảo định lượng calo cho trẻ; sử dụng sổ liên lạc điện tử; sử dụng chữ ký số trong công tác quản lý, lưu trữ và sử dụng hồ sơ, sổ sách chuyên môn trong các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, theo đúng quy định tại Điều lệ trường mầm non, không phát sinh thêm hồ sơ, sổ sách, tránh hình thức gây áp lực cho cán bộ quản lý và giáo viên...
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, 100% nhà trường, Phòng GD&ĐT trên địa bàn toàn tỉnh đã xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử. Các phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, sổ điển điện tử, học bạ điện tử, phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt... đang được các cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả. Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong toàn ngành, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng hạ tầng CNTT trong các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục đáp ứng điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và triển khai các nền tảng ứng dụng học liệu dùng chung trong toàn ngành giáo dục... Từ đó, tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ số vào trường học. Nhiều nhà trường, thầy, cô giáo đã nhanh chóng hòa nhịp xu hướng số với hầu hết các bài giảng đều được soạn giảng, trình chiều trên các phần mềm dạy học, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.