“Số hóa” công tác Đoàn
Bám sát chủ đề công tác năm 2023 “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã truyền tải thông điệp “chuyển đổi số” (CĐS) lan toả trong mọi hoạt động của tuổi trẻ thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Bên cạnh công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, nhận thức cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN), các cấp bộ Đoàn đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS trong công tác Đoàn và nhận được nhiều kết quả tích cực, góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Huyện đoàn Lâm Thao triển khai ứng dụng quét mã QR tại Nhà lưu niệm Bác Hồ.
Quản lý đoàn viên “online”
Từ khi áp dụng phần mềm Quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên (gọi tắt là phần mềm YUM) chị Đặng Thị Thu Trang - Bí thư Đoàn thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa đã thực hiện thành thạo các nghiệp vụ công tác đoàn viên như: Kết nạp đoàn viên mới; chuyển đi, chuyển đến; trưởng thành đoàn, xóa tên đoàn viên, chương trình rèn luyện đoàn viên... Chị Trang cho biết: “Phần mềm YUM dễ dàng thao tác, được tích hợp thêm một số tính năng phụ trợ để tăng tương tác giữa các tổ chức Đoàn như: Nhắn tin nội bộ, văn bản chỉ đạo, mời họp. Việc xây dựng dữ liệu rất cần thiết trong lưu trữ, truy xuất và quản lý thông tin đoàn viên, góp phần hiện đại hóa công tác Đoàn vụ, giảm đáng kể số lượng văn bản giấy, tiết kiệm chi phí về tiền bạc, thời gian”.
Phần mềm YUM được Trung ương Đoàn ra mắt từ đầu năm 2022, với mục đích số hóa toàn bộ dữ liệu đoàn viên trong cả nước, góp phần quản lý số liệu đoàn viên, làm cơ sở để đổi mới công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi. Phần mềm được thiết kế dưới hình thức website, mỗi cấp bộ Đoàn được đoàn cấp trên trực tiếp tạo lập tổ chức và cấp tài khoản để truy cập, thực hiện các nghiệp vụ về công tác đoàn viên thuộc thẩm quyền xử lý.
Phần mềm được kết nối với ứng dụng “Thanh niên Việt Nam” trên điện thoại thông minh để đoàn viên có thể khai báo thông tin trực tiếp trên ứng dụng. Thông tin đoàn viên trên hệ thống sẽ được thể hiện một cách tổng thể, tập trung, toàn diện trên quy mô cả nước, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về lưu trữ, quản lý, tìm kiếm, khai thác cơ sở dữ liệu đoàn viên của các cấp bộ Đoàn.
Với những lợi thế của phần mềm YUM, ngay khi bắt đầu triển khai, Tỉnh đoàn đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tạo lập cây dữ liệu, phân quyền quản lý và cấp tài khoản cho các tổ chức Đoàn cấp dưới, hướng dẫn thống kê dữ liệu đoàn viên của các tổ chức Đoàn trực thuộc trên phần mềm, giúp Đoàn cấp trên theo dõi việc khai báo thông tin đoàn viên, từ đó đôn đốc, nhắc nhở những đơn vị chậm triển khai thực hiện, thường xuyên trao đổi thông tin, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cán bộ phụ trách của mỗi huyện, thị, thành đoàn và Đoàn trực thuộc. Đến nay, toàn tỉnh có 75.281 ĐVTN, trong đó có 45.811 ĐVTN được nhập thông tin từ app Thanh niên Việt Nam, 29.470 ĐVTN được nhập thông tin từ YUM.
Huyện Thanh Sơn hiện có 15.873 đoàn viên, sinh hoạt tại 41 cơ sở đoàn, trong đó đoàn viên là người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ 61,3%. Đồng chí Đinh Mạnh Hùng - Bí thư Huyện đoàn Thanh Sơn cho biết: “Thay vì phát văn bản giấy hay gọi điện thoại trực tiếp để điều hành, trao đổi công việc như trước đây, hiện tại chúng tôi có thể trao đổi công việc hoặc tổ chức họp trực tuyến một cách thuận lợi qua phần mềm YUM, Zoom...”. Nhờ từng bước chủ động công nghệ, hiệu quả công tác Đoàn trên địa bàn huyện đã được nâng cao, các hoạt động xung kích, tình nguyện trong thanh niên được lan tỏa rộng rãi. Trong năm 2023, ĐVTN huyện Thanh Sơn đã đóng góp công sức tham gia xây dựng, sửa chữa hơn 5km đường giao thông nông thôn, hoàn thiện mới 3,5km đường điện “Thắp sáng đường quê”, xây dựng 14 công trình “Điểm vui chơi cho thiếu nhi”, trồng mới hơn 20.000 cây xanh và ba công trình “Đồi cây thanh niên”...
Đoàn Khối các cơ quan tỉnh hướng dẫn thao tác trên phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên.
Xung kích chuyển đổi số
Thể hiện quyết tâm của tổ chức Đoàn các cấp trong đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, thế mạnh của thanh niên trong CĐS, tuổi trẻ toàn tỉnh đã tiên phong thực hiện CĐS thông qua kế hoạch “Thanh niên Đất Tổ năng động, sáng tạo, thúc đẩy CĐS giai đoạn 2023 - 2027”. Trong đó, tập trung vào CĐS trong công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ số thúc đẩy, hỗ trợ người dân, thanh niên CĐS trong sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thông qua nền tảng số...
Nằm trong chuỗi các hoạt động được Tỉnh đoàn triển khai với Chủ đề: “Tuổi trẻ Đất Tổ CĐS di tích lịch sử - văn hóa - địa chỉ đỏ”, ứng dụng mã QR code đang dần “phủ sóng” tại các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh, bắt nhịp theo xu thế mới của thời đại. Là một trong những địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà lưu niệm Bác Hồ, thị trấn Lâm Thao được Huyện đoàn Lâm Thao gắn biển công trình số hóa trong dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Công trình được xây dựng dựa trên tích hợp hình ảnh, thông tin giới thiệu về di tích trong mã QR code, mọi người sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet đều có thể tìm hiểu về di tích.
Ứng dụng quét mã QR code tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ là sự sáng tạo trong công tác quảng bá điểm đến, mang lại hiệu quả thiết thực đối với du khách. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) được kết nối internet, ngay sau khi quét mã QR code, người dân và du khách có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin giới thiệu, quảng bá về địa điểm tương ứng với mỗi mã QR được quét trên website Di tích Phú Thọ. Đến nay, đã có 13 di tích được Đoàn thanh niên các địa phương triển khai công trình thanh niên CĐS như: Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa, Căn cứ Tiên Động, huyện Cẩm Khê, Căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân, huyện Yên Lập, Chùa Hoàng Long, huyện Phù Ninh, Đền Du Yến, huyện Thanh Ba...
Bên cạnh đó, nhiều hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, Đoàn được Đoàn các cấp triển khai theo hình thức trực tuyến, từ điểm cầu Trung ương đến điểm cầu cấp tỉnh và cơ sở, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền qua hệ thống website và các trang mạng xã hội, trong năm 2023 có 5.875 tin tốt và 1.382 câu chuyện đẹp được đăng tải, thường xuyên duy trì việc đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực, đấu tranh, phản bác nội dung xấu, độc, xuyên tạc trên không gian mạng. Ngoài ra, ĐVTN còn là nòng cốt của 2.356 Tổ công nghệ số cộng đồng ở các khu dân cư, thôn, bản để triển khai, hướng dẫn người dân tiếp cận, thực hiện CĐS trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như kỹ năng sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn, biết nhận diện, phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số...
Đồng chí Bùi Đức Giang - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, tuổi trẻ Phú Thọ đã và đang khẳng định được vai trò tiên phong trong công cuộc CĐS, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp sáng tạo trong CĐS, quyết tâm thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra”.