Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp tư nhân
Nhằm bắt kịp xu thế toàn cầu để phát triển bền vững, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân trong tỉnh đã và đang áp dụng chuyển đổi số (CĐS). Đây được xem là cơ hội giúp các DN tối ưu hóa được quy trình sản xuất và quản lý dữ liệu thông tin cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, giúp kết nối gần hơn với khách hàng và tái cấu trúc lại DN.
Công đoạn trộn ủ sản phẩm bằng máy móc công nghệ cao tại Công ty TNHH Công nghệ sinh học FUWA-3E.
Thời gian qua, việc đẩy mạnh CĐS trong DN luôn được tỉnh Thanh Hóa quan tâm thường xuyên và liên tục với nhiều chính sách như ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 28/3/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về phát triển DN công nghệ số đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 cùng các kế hoạch thực hiện CĐS hàng năm. Nhờ đó mà trong năm 2023 đã có hơn 6.500 DN được tiếp cận CĐS; trong đó hỗ trợ CĐS cho 840 DN thành lập mới, các hộ kinh doanh cá thể đã tham gia các sàn thương mại điện tử, sử dụng các nền tảng mạng xã hội (facebook, youtube, zalo) để quảng bá, bán hàng.
Việc CĐS trong DN, đặc biệt là các DN tư nhân đã có sự phát triển bứt phá, nhất là với các đơn vị mạnh dạn thực hiện đổi mới sáng tạo, tăng cường sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như Công ty TNHH Công nghệ sinh học FUWA-3E tại phường Đông Cương, TP Thanh Hóa. Với xuất phát điểm là kinh doanh các sản phẩm sinh học từ vỏ dứa lên men nên việc áp dụng CĐS vào quy trình sản xuất và bán hàng là điều tất yếu. Trong quy trình biến vỏ dứa thành sản phẩm nước tẩy rửa, mọi công đoạn từ lớn đến nhỏ đều được công ty áp dụng CĐS vô cùng bài bản. Vỏ dứa sau khi thu hoạch xong sẽ được đưa vào máy bóc tách và sàng lọc tự động để đảm bảo không có tạp chất, sau đó mới được trộn cùng với đường vàng, khuấy đều trong nước sạch để tạo dung môi ngâm ủ, tất cả đều được sử dụng bằng máy móc hiện đại và được kiểm tra hằng ngày. Chính sự hỗ trợ “đắc lực” của hàng loạt công nghệ số ấy đã giúp các sản phẩm của công ty ngày một hoàn thiện và có chỗ đứng trong thị trường.
Giám đốc Công ty Bùi Thị Bích Ngọc cho biết: Việc ứng dụng các công nghệ số vào quy trình sản xuất đã giúp công ty tiết kiệm được rất nhiều thời gian cũng như nhân lực. Đồng thời, các sản phẩm khi có thêm “bàn tay” của máy móc sẽ có độ chính xác và đồng đều hơn, giúp khách hàng hài lòng khi trải nghiệm thực tế.
Ngoài ra, công ty còn quản lý nguyên liệu đầu vào bằng hệ thống riêng, tránh tình trạng sai sót làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty cũng tích cực đưa sản phẩm của mình lên các trang giao dịch điện tử trong nước lẫn quốc tế như Shopee, Lazada, Amazon... nhằm gia tăng thị phần. Nhờ đó mà trong năm 2023 công ty đã xuất bán được 162.000 lít nước tẩy rửa các loại. Dự kiến, trong thời gian tới, công ty sẽ đa dạng hóa sản phẩm về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp, công nghiệp và hướng sản phẩm đến thị trường khó tính như EU.
Là một trong số các công ty du lịch được khách hàng tin cậy tại TP Thanh Hóa, Công ty TNHH Du lịch Quốc tế An Bình Phát Group, phường An Hưng đã ứng dụng CĐS trên các nền tảng marketing như: các trang web giới thiệu về du lịch hay quảng bá hình ảnh, các dịch vụ của DN thông qua trang mạng xã hội... Chính sự đổi mới này đã giúp kết quả kinh doanh của công ty chuyển biến vô cùng tích cực.
Theo lãnh đạo công ty cho biết, khi công ty có những hoạt động quảng bá các gói du lịch hấp dẫn trên nhiều nền tảng số thì năm 2023 công suất phòng nghỉ dưỡng, ăn ở và lữ hành tại doanh nghiệp đạt trên 80%, tăng gấp 2 lần so với năm 2022, giúp giảm nhân lực và tăng doanh số cho công ty. Để DN được CĐS toàn diện, công ty sẽ tiếp tục tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo của chuyên gia về sử dụng các công cụ, các bước của phần mềm làm tối ưu hóa các bước quản trị trong DN. Từ đó sẽ giúp công ty xác định lộ trình phát triển bền vững trong thời đại 4.0.
Bên cạnh mặt tích cực, thì thực tế triển khai CĐS tại một số DN, địa phương cho thấy một bộ phận người dân, DN chưa nhận thức rõ được vai trò, lợi ích của công tác CĐS đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm trên 97%), năng lực cạnh tranh của DN hạn chế nên nguồn lực dành cho CĐS còn ít. Việc triển khai CĐS cần phải có nhiều nguồn lực trong khi chưa đánh giá được hiệu quả, do vậy nhiều DN còn chưa mặn mà áp dụng.
Để thúc đẩy CĐS, theo Trưởng Phòng Quản lý công nghệ - thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) Lê Xuân Lâm cho biết: Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS; tăng cường tập huấn về CĐS an toàn cho cả người dân và DN. Đồng thời, triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển DN số trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy và xác định DN tư nhân sử dụng nền tảng số, tiếp cận và tham gia chương trình hỗ trợ CĐS cho các DN nhỏ và vừa (SMEdx). Ngoài ra tiếp tục có các chương trình, giải pháp tuyên truyền cho cộng đồng DN trong tỉnh để tích cực ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hợp đồng điện tử trong các giao dịch thương mại...