Thúc đẩy thương mại điện tử làng nghề
Hiện nước ta có khoảng 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó riêng thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề. Việc ứng dụng thương mại điện tử sẽ giúp các làng nghề tăng doanh thu, giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh, do đó cần có những chính sách khuyến khích, cũng như hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển...
Sản xuất sản phẩm truyền thống tại làng dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Nguyễn Quang
Gia tăng giá trị sản phẩm
Trưởng ban đại diện làng nghề gốm sứ Giang Cao (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) Đặng Đình Túc cho biết, xã Bát Tràng có 195 doanh nghiệp, 960 hộ sản xuất, 750 hộ làm dịch vụ gốm sứ và du lịch, thu nhập bình quân đầu người đạt 86,54 triệu đồng/năm. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Bát Tràng đã tiếp thị, đăng bán sản phẩm trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Bát Tràng cũng đang hướng tới cung cấp thông tin cho khách du lịch thông qua mã QR. Qua đó, khách du lịch có thể dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện những thao tác cần thiết như tìm kiếm thông tin các gian hàng, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Bát Tràng.
Không chỉ ở Bát Tràng, theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) Phạm Khắc Hà, làng lụa Vạn Phúc có khoảng 300 hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Những năm qua, nhiều cơ sở đã chủ động tiếp cận khách hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng lụa Vạn Phúc còn tổ chức mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm trên mạng xã hội, liên kết hơn 100 hộ gia đình.
“Từ nhóm này, các thành viên chủ động tìm được nguồn nguyên liệu sản xuất, giới thiệu mặt hàng do chính cơ sở sản xuất. Với mô hình kinh doanh điện tử, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng lụa Vạn Phúc dần chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, vừa nhanh chóng, vừa giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp”, ông Phạm Khắc Hà nói.
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu cho biết, công ty đã đầu tư xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến qua website, Facebook, fanpage, Zalo, OA và các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Shopee,…; xây dựng nhóm khách hàng thân thiết trên các ứng dụng chat trực tuyến: Zalo, Viber, Telegram…
Đối với sản phẩm trang trí nội thất, quà tặng, trước đây khách hàng thường muốn “nhìn tận mắt, sờ tận tay”, song hiện nay cũng đã có những thay đổi trong thói quen mua sắm, từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng trực tuyến. Do vậy, phương thức bán hàng trực tuyến cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều khách hàng.
Còn theo Tiến sĩ Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nền kinh tế, xu hướng tiêu dùng và tạo điều kiện để kinh doanh trực tuyến bùng nổ. Với hình thức này, người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng hóa một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều so với phương thức bán hàng truyền thống và người sản xuất mở rộng thị trường hơn, gia tăng thêm giá trị cho sản phẩm.
Tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề
Bên cạnh những kết quả đạt được, thương mại điện tử khu vực làng nghề cũng còn gặp không ít khó khăn.
Trưởng ban đại diện làng nghề gốm sứ Giang Cao (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) Đặng Đình Túc chia sẻ, việc bán hàng ở Bát Tràng vẫn mang tính tự phát, người bán hàng chưa có kỹ năng cũng như chiến lược kinh doanh trên thương mại điện tử. Trong khi sản xuất gốm sứ thay đổi mẫu mã rất nhanh, việc quảng bá, giới thiệu phải cập nhật và thích ứng, song nhiều hộ chưa làm tốt điều này.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) Phạm Khắc Hà, để chuyển đổi phương thức bán hàng từ trực tiếp sang trực tuyến, đòi hỏi các cơ sở phải có những thay đổi căn bản về dòng sản phẩm, trình độ quản trị doanh nghiệp, tay nghề của người lao động và cơ sở hạ tầng.
Thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia năm 2023, mới đây, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức hội thảo về nâng cao kỹ năng bán hàng online và marketing cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Nguyễn Như Chinh cho rằng, các cơ sở ở làng nghề vẫn làm theo thói quen cũ, thông tin về sản phẩm đưa ra không đầy đủ nên khó gây ấn tượng với khách hàng. Các dịch vụ thương mại điện tử chưa phát triển tại vùng nông thôn. Do đó, rất cần được cơ quan chức năng tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất làng nghề.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề Việt Nam cho rằng, các hộ làng nghề cần phải nắm được quy định pháp luật về kinh doanh trực tuyến như: Đăng ký với Bộ Công Thương để thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử; nghĩa vụ đóng thuế; các mặt hàng hạn chế kinh doanh trực tuyến…
Việc tận dụng thương mại điện tử đã, đang trở thành phương thức kinh doanh hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để ứng dụng thương mại điện tử thực sự hiệu quả, các làng nghề cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; chủ động khai thác thông tin mở rộng thị trường, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề...