TP Thanh Hóa thúc đẩy chuyển đổi số

Thực hiện Dự án “Xây dựng TP Thanh Hóa đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh”, thành phố đã quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin chất lượng cao, đồng bộ và hiện đại, với nhiều tiện ích tiên tiến so với các địa phương trong tỉnh.

Thành đoàn TP Thanh Hóa ra mắt mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” tại phường Điện Biên.

Thành đoàn TP Thanh Hóa ra mắt mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” tại phường Điện Biên.

Với sự đầu tư mạnh mẽ, hiện nay hạ tầng số của thành phố và các phường, xã đều kết nối ổn định, thông suốt, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin. Mạng cáp quang băng thông rộng được triển khai rộng khắp đến tất cả 34 phường, xã. Các trạm BTS công nghệ băng rộng di động 3G, 4G phủ sóng hầu hết các khu vực trên phạm vi toàn thành phố, cung cấp đầy đủ dịch vụ viễn thông, Internet chất lượng cao cho người dân, doanh nghiệp.

Để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, thành phố đã đầu tư 2 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến; 34 phường, xã đầu tư 34 điểm cầu trực tuyến. Ngoài ra, một số phường, xã đã triển khai các điểm cầu một chiều cấp phố, thôn, tạo môi trường hội họp hiện đại, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí và triển khai các cuộc họp nhanh chóng. Hệ thống Internet công cộng miễn phí từng bước được triển khai tại các nhà văn hóa thôn, phố phục vụ Nhân dân truy cập miễn phí.

Để đưa công nghệ số đến với người dân, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) thành phố, ban chỉ đạo CĐS 34 phường, xã với 560 thành viên và thành lập 311 tổ công nghệ số cộng đồng với 1.508 thành viên tham gia. Năm 2023, UBND thành phố đã tổ chức 3 lớp tập huấn về CĐS, kỹ năng số cho lãnh đạo UBND và các tổ chức đoàn thể; tổ chức 46 lớp cho ban chỉ đạo CĐS các phường, xã, cán bộ trực tiếp làm công tác CĐS cấp xã và 311 tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng. Các phường, xã cũng phối hợp với các đơn vị viễn thông, ngân hàng tổ chức hơn 60 lớp tập huấn, hỗ trợ các tổ công nghệ số cộng đồng và người dân sử dụng các ứng dụng số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt...

Để xây dựng chính quyền số, tất cả các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố được kết nối, sử dụng hệ thống TD-Office phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Tỷ lệ văn bản được ký số đạt 100%, giúp cho hoạt động của cơ quan, phòng, ban, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng. Để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, thành phố đẩy mạnh thực hiện đề án đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tất cả các thủ tục hành chính đều được công khai trên Trang thông tin điện tử thành phố, trên hệ thống tra cứu thủ tục hành chính ở bộ phận “một cửa” thành phố và trên bảng tin ở các phường, xã.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử và đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Đặc biệt, các phường Điện Biên, Trường Thi, Đông Vệ, Đông Sơn, Quảng Thắng, Lam Sơn, Quảng Thịnh, Đông Hương đã xây dựng mô hình “Chợ 4.0” - hộ kinh doanh thanh toán không dùng tiền mặt. Thành phố cũng thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi quy trình sản xuất, tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, sáng tạo, hiệu quả. Cùng với đó, thành phố phối hợp với VNPT Thanh Hóa, Bưu điện tỉnh, Viettel Thanh Hóa đưa các sản phẩm của thành phố lên Cổng kết nối cung cầu tỉnh (https://nongsanantoanthanhhoa. vn) và sàn thương mại điện tử voso.vn, postmart.vn để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường kinh doanh.

TP Thanh Hóa cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo nên các thành tố để xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống thông minh ở một số lĩnh vực như an ninh trật tự, giao thông, y tế... Bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa, đến nay thành phố đã triển khai lắp đặt 33.060 mắt camera giám sát trên các tuyến đường chính, các khu vực, địa bàn trọng điểm và địa bàn các phường, xã. Trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện Đa khoa thành phố đã triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám, chữa bệnh thay thế thẻ BHYT, kết nối hệ thống khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương, triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt và hóa đơn điện tử. Công tác tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân đạt trên 96%.

Thực hiện Đề án 06, Công an thành phố và các tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh mức độ 1, mức độ 2; tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện thủ tục hành chính và các tiện ích khác trên ứng dụng VneID.

Trong lĩnh vực giáo dục, các nhà trường đã triển khai các phần mềm trong hệ sinh thái giáo dục thông minh như: Thẻ điểm danh thông minh, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, tích hợp thanh toán học phí qua VNPT Pay; cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đến nay, thành phố có 126/128 trường sử dụng vnEdu Teacher để điều hành công việc (đạt 98,44%), 110/128 trường sử dụng sổ liên lạc điện tử (đạt 85,94%), 97/128 trường sử dụng phầm mềm tuyển sinh đầu cấp (đạt 75,78%), 115/128 trường triển khai giáo án điện tử (đạt 89,84%), 42/128 trường đã triển khai hồ sơ số (đạt 32,81%).

Năm 2023, thành phố có 10 phường, xã đã hoàn thành các tiêu chí về CĐS và đang chờ thẩm tra, công nhận. Cùng với 10 xã đã hoàn thành CĐS năm 2022, thành phố phấn đấu giữ vững vị trí dẫn đầu về CĐS cấp huyện, hướng tới xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh như mục tiêu đã đặt ra.

Theo Báo Thanh Hóa