Đề xuất phát huy nguồn lực trẻ trong phát triển dịch vụ công trực tuyến
Sau những trải nghiệm trực tiếp một số dịch vụ công trực tuyến, các thực tập sinh tại Ban IV đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sáng kiến phát huy nguồn lực thanh niên, học sinh, sinh viên trong phát triển, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam.
Nhóm thực tập sinh (TTS) năm 2023 tại Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có báo cáo sáng kiến gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề phát huy nguồn lực lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên trong phát triển, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam.
Nhóm TTS cho biết, trong thời gian từ tháng 7-10/2023, nhóm gồm các sinh viên đại học thực tập tại Ban IV đã có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG) và tìm hiểu về nỗ lực triển khai, xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
“Chúng em nhận thấy ưu tiên và sự quan tâm rất cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành cho quá trình này. Với sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ có nhiều bước tiến quan trọng. Đặc biệt, nhiều dịch vụ công đã được đưa lên môi trường điện tử để đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (TTHC)”, nhóm TTS đánh giá.
Sinh viên trải nghiệm dịch vụ trực tuyến.
Tuy nhiên, theo các TTS, trong quá trình trải nghiệm trực tiếp một số dịch vụ công trực tuyến, cụ thể là trực tiếp thực hiện một số TTHC trên Cổng DVCQG và các cổng dịch vụ công của bộ, ngành, nhóm nhận thấy nhiều chỉ tiêu thực hiện so với yêu cầu của Chính phủ còn thấp. Một số dịch vụ công trực tuyến còn chưa được tái cấu trúc quy trình theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, nên chất lượng thực hiện chưa cao.
Với mong muốn đóng góp những nỗ lực dù nhỏ bé cho tiến trình hết sức quan trọng này của quốc gia, nhằm bày tỏ sự ủng hộ của lớp trẻ đối với mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình cải cách TTHC nói chung, cải thiện quá trình cung cấp các dịch vụ công trực tuyến nói riêng, nhóm TTS đã chủ động nghiên cứu sâu hơn các kinh nghiệm quốc tế về tối ưu nguồn lực trẻ đã qua đào tạo và có mức độ sẵn sàng công nghệ cao tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính phủ điện tử. Từ đó mạnh dạn xây dựng một số sáng kiến, ý tưởng để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ”
Báo cáo sáng kiến gửi tới Thủ tướng Chính phủ gồm 3 hạng mục nội dung đề xuất. Thứ nhất, tăng cường tỷ lệ công dân trẻ tham gia sử dụng Cổng DVCQG. Thứ hai, phát huy sáng kiến kỹ thuật từ nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trẻ cho tiến trình Chính phủ điện tử. Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của công dân trẻ đối với những mối quan tâm chung của đất nước.
Đối tượng được đề cập xuyên suốt các nội dung sáng kiến tập trung vào lực lượng thanh thiếu niên Việt Nam, trong bối cảnh chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai mạnh mẽ.
Nhóm TTS bày tỏ mong muốn được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận tâm huyết và nhìn nhận lớp trẻ cũng là một lực lượng quan trọng trong nỗ lực phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Nhóm TTS mạnh dạn đề xuất giao Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng hoặc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng có những chương trình đối thoại, thảo luận với các công dân trẻ, nhằm hoàn thiện hơn nữa và tìm cơ hội hiện thực hóa các sáng kiến. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu cao nhất là thu hút hiệu quả lớp trẻ Việt Nam tham gia vào tìm lời giải cho các bài toán quốc gia.
Chia sẻ về sáng kiến này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy -Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết, báo cáo sáng kiến do các thực tập sinh Ban IV năm 2023 trực tiếp xây dựng. Đây là nỗ lực lớn sau thời gian trải nghiệm các thủ tục hành chính, các dịch vụ công trên mạng. Các sinh viên đã viết các báo cáo trải nghiệm ở giác độ người dùng hệ thống, dịch vụ; đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất sáng kiến tại Việt Nam.
Theo bà Thuỷ, một số đề xuất khả thi có thể áp dụng được tại Việt Nam. Và phương pháp luận “huy động công dân” vào cuộc thể hiện qua báo cáo này có thể áp dụng ở nhiều mô hình, nhóm chủ thể khác nhau, với điều kiện cơ quan Nhà nước thực sự muốn làm.