Hỗ trợ hàng nghìn cán bộ thông tin cơ sở tiếp cận kỹ năng số qua nền tảng One Touch
Hơn 5.500 cán bộ thông tin cơ sở tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham gia khóa tập huấn “Hướng dẫn kỹ năng biên tập tin, phóng sự, xây dựng chương trình phát thanh” trên nền tảng số quốc gia tiềm năng One Touch. Con số ấn tượng đó là kết quả triển khai chương trình học tập trực tuyến chỉ trong vòng 10 ngày.
Tham gia khóa tập huấn “Hướng dẫn kỹ năng biên tập tin, phóng sự, xây dựng chương trình phát thanh” trên nền tảng số quốc gia tiềm năng One Touch (Ảnh minh họa)
Đây là chương trình nhằm hiện thực hóa Quyết định số 408/QĐ-BTTTT ngày 20/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp thông tin, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở năm 2023.
Theo đó, Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông VTC NetViet (đơn vị vận hành nền tảng One Touch) để triển khai tổ chức khóa học.
Hướng tiếp cận mới trong nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng số
Chỉ thị số 01/CT-BTTTT ngày 20/01/2023 của Bộ TT&TT đã định hướng rõ về sự phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025. Trọng tâm của việc phát triển là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, trong đó chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách; tăng cường và đổi mới công tác quản lý báo chí; xây dựng đội ngũ nhân lực báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, có giải pháp hỗ trợ báo chí phát triển; kịp thời chấn chỉnh sai phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Năm 2024 là năm lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông sẽ coi không gian mạng là mặt trận chính, vừa chuyển đổi số báo chí, vừa đảm bảo không gian mạng lành mạnh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng, quản lý các nền tảng số xuyên biên giới hoạt động ở Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Do vậy, mỗi cán bộ thông tin cơ sở phải được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng số cần thiết để thực sự là cánh tay nối dài của Cục Thông tin cơ sở, của Bộ TT&TT trong công tác truyền thông, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Đối với việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nền tảng đào tạo trực tuyến cho nhiều nhóm đối tượng với quy mô lớn được xác định là giải pháp đột phá mang tính chiến lược. Bộ TT&TT luôn nhấn mạnh quan điểm: Nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Với cách làm đổi mới, sáng tạo, Bộ TT&TT đã gợi ý hướng tiếp cận mới trong nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng số cho các ban ngành, địa phương. Đó là đào tạo trực tuyến thông qua nền tảng số. Tài liệu được biên soạn, số hóa thành các video học liệu sinh động, dễ hiểu. Khóa học được thiết kế trực tuyến trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà giúp người học chủ động học tập mọi lúc mọi nơi và hoàn toàn miễn phí.
Tính đến hết năm 2023, Bộ TT&TT đã công nhận thêm 02 nền tảng học trực tuyến mở đại trà đạt tiêu chí nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia, trong đó có nền tảng One Touch (do Bộ TT&TT là cơ quan chủ quản, Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông VTC NetViet là đơn vị vận hành). Để có được sự công nhận này, One Touch đã luôn nỗ lực vì sứ mệnh phổ cập tri thức số toàn dân. Đây cũng chính là nền tảng hỗ trợ đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở trong đợt tập huấn vừa qua.
Thống kê số liệu đến ngày 02/01/2024 cho thấy cộng đồng tri thức số của nền tảng One Touch đã vượt mốc 24 triệu lượt truy cập. Năm 2024 với định hướng xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp thúc đẩy sử dụng dịch vụ, cung cấp dịch vụ của nền tảng số cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nền tảng số quốc gia tiềm năng One Touch tiến tới đạt 50% thị phần trong nước và luôn đồng hành cùng các ban ngành, tổ chức, địa phương trên hành trình chuyển đổi số.
Chương trình tập huấn trực tuyến quy mô lớn
Chỉ trong 10 ngày triển khai, hơn 5.500 cán bộ thông tin cơ sở đã tiếp cận được tri thức, kỹ năng số cần thiết phục vụ cho công tác truyền thông tại các cơ quan, đơn vị.
Chương trình tập huấn “Hướng dẫn kỹ năng biên tập tin, phóng sự, xây dựng chương trình phát thanh” trên nền tảng số quốc gia tiềm năng One Touch là một chương trình có quy mô lớn, độ bao phủ rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước và được Cục Thông tin cơ sở xác định là nhiệm vụ quan trọng của năm 2023, làm tiền đề thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực truyền thông năm 2024.
Là cơ quan trực thuộc Bộ TT&TT, Cục Thông tin cơ sở hiểu rõ vai trò của mình trong thực hiện sứ mệnh truyền thông chung của ngành. Do vậy, Cục luôn trăn trở để xây dựng và củng cố vững chắc mạng lưới truyền thông – đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở.
Cán bộ thông tin cơ sở tích cực tham gia khóa học trực tuyến trên nền tảng One Touch (Ảnh minh họa)
Trong môi trường truyền thông số, quá trình triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ TT&TT, công tác thông tin cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng và rất cần sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của đội ngũ những người làm công tác thông tin cơ sở.
Dựa trên sáng kiến tiếp cận tri thức số qua nền tảng số của Bộ TT&TT, Cục Thông tin cơ sở đã phối hợp với VTC NetViet xây dựng chương trình tập huấn với nội dung phong phú, đa dạng, vừa củng cố kiến thức cơ bản, vừa cập nhật kiến thức, kỹ năng mới để ứng dụng hiệu quả trên môi trường truyền thông số.
Theo VTC NetViet – đơn vị vận hành nền tảng One Touch, tuy khóa tập huấn được tổ chức với hình thức trực tuyến nhưng cách thức phối hợp, triển khai thực hiện rất bài bản, khoa học, có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa Cục Thông tin cơ sở và nền tảng One Touch nên bản thân cơ quan tổ chức chương trình và đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở không gặp bất kỳ khó khăn nào.
Cục Thông tin cơ sở cũng nhận định rằng với cách thức tổ chức như vậy, quy mô lớp học trực tuyến có thể phát triển hơn nữa về số lượng học viên và phạm vi triển khai, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí so với hình thức mở lớp trực tiếp tại các địa phương vừa dễ dàng thống kê, đánh giá chất lượng học viên thông qua bài kiểm tra cuối khóa. Từ đó sẽ thuận lợi trong công tác tổ chức các khóa đào tạo tiếp theo.
Đại diện Cục Thông tin cơ sở cho biết, với cách đào tạo trực tuyến như vậy sẽ hình thành thói quen học tập, nghiên cứu tài liệu trực tuyến cho cán bộ thông tin cơ sở, hình thành “văn hóa” tự giác tiếp cận tri thức, kỹ năng số. Đó sẽ là tiền đề để mỗi cá nhân tự tu dưỡng, nâng cao năng lực của mình đáp ứng yêu cầu truyền thông thời đại số.
Là một trong những đơn vị truyền thông tiên phong sử dụng và có định hướng ưu tiên sử dụng hình thức học tập trực tuyến này trong tương lai, chương trình tập huấn của Cục Thông tin cơ sở là minh chứng sống động nhất, giúp các đơn vị vững tin hơn vào sự lựa chọn phương thức mới trong đào tạo, bồi dưỡng nhận thức, kỹ năng số cho nguồn nhân lực.