Trực tiếp kết hợp trực tuyến: Nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn Bình Thuận
Ngày 13/11, huyện Hàm Thuận Bắc long trọng khai giảng lớp học đầu tiên trong chuỗi chương trình phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đây là một bước đi quan trọng, đánh dấu những nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng tại địa phương, giúp người dân nơi đây tiếp cận gần hơn với các công nghệ và nền tảng số hiện đại.
Chương trình do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông VTC NetViet tổ chức gồm 14 lớp trực tiếp (với khoảng 2.600 người tham gia) tại các huyện, thành thị kết hợp hình thức trực tuyến trên nền tảng One Touch cho khoảng 5.600 người.
Khai giảng lớp phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn tại huyện Hàm Thuận Bắc
Lớp đầu tiên được tổ chức tại UBND huyện Hàm Thuận Bắc với sự góp mặt của 200 người thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau bao gồm: cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ hợp tác xã, cán bộ không chuyên trách thôn, bản, giáo viên các trường phổ thông của địa phương làm lực lượng nòng cốt phổ biến lại kiến thức cho thành viên của tổ chức và người dân cũng như đông đảo người dân nông thôn trong độ tuổi lao động tại các xã trên địa bàn.
Đây là một hoạt động nằm trong kế hoạch tổng thể nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng số cho người dân nông thôn tại Bình Thuận, hướng đến mục tiêu đạt tỷ lệ trên 70% người dân trong độ tuổi lao động được trang bị kiến thức và kỹ năng số cơ bản vào năm 2025.
Trong những năm gần đây, Bình Thuận luôn quan tâm, chú trọng thực hiện các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số địa phương trong đó nguồn nhân lực số được xác định đóng vai trò quan trọng hàng đầu và được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng. Nguồn nhân lực số không chỉ là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước hay người lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp mà còn bao gồm cả người dân tại các vùng nông thôn. Họ là những người trực tiếp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và cuộc sống. Họ không chỉ thụ hưởng các lợi ích từ công nghệ số mà còn trở thành hạt nhân lan tỏa kiến thức số trong cộng đồng, để từ đó xây dựng kinh tế số, xã hội số, nông thôn mới thông minh, phát triển.