AI cách mạng hoá công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những giải pháp mà Chính phủ khuyến khích áp dụng trong xây dựng Chính phủ số nói chung và kiểm soát, phân luồng cũng như giám sát vi phạm giao thông nói riêng.

Tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 diễn ra trong 2 ngày 28- 29/9 do Uỷ ban ATGT quốc gia tổ chức, ông Trần Trọng Vinh, Chủ tịch Hiệp Hội An ninh chuyên nghiệp châu Á - Chi hội Việt Nam cho biết, với sự phát triển của KHCN và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động tích cực đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có giao thông.

Hệ thống giao thông thông minh (ITS) với phân hệ chính là camera giám sát, phạt hiện xử lý vi phạm TTATGT đã mang lại hiệu quả to lớn nhằm ngằn ngừa, cảnh báo, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm tai nạn, giảm ùn tắc, giảm lượng khí thải… góp phần xây dựng một xã hội an toàn, văn minh, hiện đại và phát triển.

“Đây là một hệ thống với công nghệ tiên tiến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý hình ảnh thông minh, áp dụng vào điều kiện giao thông hỗn hợp tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu theo dõi, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT và hiện đại hoá công tác tuần tra, kiểm soát, giảm bớt sự có mặt thường xuyên, giảm các biện pháp thủ công của lực lượng CSGT đang thực hiện”, ông Vinh nói.

Hội thảo thu hút nhiều diễn giả tham gia theo hình thức trực tuyến (Ảnh: N. Huyền).

Theo ông Vinh, ý tưởng hệ thống giao thông thông minh được khởi xướng từ những năm 60,70 của thế kỷ XX tại Mỹ và các nước châu Âu. Đến nay mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như Singapore, Barcelona, San Francisco…

Theo đó, hệ thống ITS sẽ giúp kết nối các phương tiện, tín hiệu giao thông, trạm thu phí và cơ sở hạ tầng khác để giúp giảm tắc nghẽn, ngăn ngừa tai nạn, giảm khí thải và giúp ngành giao thông vận tải hoạt động hiệu quả hơn.

Hệ thống giao thông thông minh sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của giao thông đường bộ, trong đó bao gồm việc xử lý tai nạn và ùn tắc giao thông. Về cơ bản, ITS sẽ sử dụng kết nối thông tin giữa hệ thống giao thông, phương tiện đang di chuyển và con người nhằm hình thành một mạng lưới, qua đó tối ưu việc vận hành và tham gia vào quá trình điều tiết giao thông.

Liên hệ với Việt Nam, ông Vinh cho rằng quá trình đô thị hoá nhanh chóng là một thách thức đối với nhà quản lý cơ sở hạ tầng của thành phố. Lượng phương tiện giao thông ngày càng đông đúc nên tình trạng ùn tắc, tai nạn diễn ra thường xuyên.

Trong khi đó, hệ thống quản lý giao thông truyền thống không đủ độ bao phủ để kiểm soát tất cả các tuyến đường trong thành phố, rất khó để mở rộng quy mô phù hợp.

“Do đó, các thành phố cần xây dựng giải pháp thông minh để xử lý giao thông tốt hơn, cải thiện sự thoải mái cũng như đảm bảo an toàn cho người lái xe, người đi bộ và hành khách.

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện các hành vi vi phạm đang trở thành xu hướng và vô cùng cần thiết, để nâng cao ý thức người tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, hướng đến mục tiêu thành phố thông minh an toàn mà không có tai nạn”, ông Vinh nhấn mạnh.

Đặc biệt, AI là một trong những giải pháp mà Chính phủ khuyến khích áp dụng trong xây dựng Chính phủ số nói chung và kiểm soát, phân luồng cũng như giám sát vi phạm giao thông nói riêng.

Hiện nay, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM… đã bước đầu triển khai các gói giải pháp ứng dụng AI trong lĩnh vực kiểm soát giao thông và thí điểm mô hình giao thông thông minh qua hệ thống giám sát và điều hành giao thông thông minh, các trạm soát vé không dừng.

Trong các đô thị lớn, việc ứng dụng camera hành trình và camera giám sát giao thông để tăng cường việc kiểm soát giao thông, giảm ùn tắc và tăng cường hiệu quả trong điều phối giao thông một cách trực tuyến đã được quan tâm, bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực.

Đánh giá cao việc hiện nay các Bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã, đang ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện công cuộc chuyển đổi số mang lại hiệu quả song vẫn tồn tại những hạn chế.

Đó là thực trạng các hệ thống được triển khai một cách rời rạc, cục bộ, không có tính kết nối. Do thiết kế không đồng bộ nên các đơn vị đầu tư chồng chéo, gây lãng phí, không khai thác triệt để nguồn thông tin, không tạo nguồn dữ liệu Big Data, chưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI cho hệ thống xử lý dữ liệu quy mô quốc gia.

“Đặc biệt, Việt Nam còn sử dụng nhiều phần mềm nước ngoài, chi phí cao, khó bảo đảm an ninh, an toàn, không làm chủ được công nghệ”, ông Vinh thông tin.

Cần thiết xây dựng trung tâm chỉ huy an ninh tích hợp AI 

Do đó, ông Vinh cho rằng cần thiết xây dựng Trung tâm chỉ huy an ninh tích hợp AI. Cụ thể xây dựng một Trung tâm chỉ huy an ninh với phần mềm quản lý Make in Vietnam, chủ động công nghệ, thống nhất về công tác thu thập, khai thác dữ liệu, hình ảnh để phục vụ yêu cầu bảo đảm an ninh trên mọi lĩnh vực quốc gia nói chung và lĩnh vực giao thông thông minh nói riêng là nhu cầu cần thiết.

Điều này nhằm tận dụng được các hệ thống an ninh, cảnh báo đã triển khai lắp đặt từ trước trên cơ sở khai thác tối đa các hệ thống sẵn có và nguồn camera xã hội hoá.

Áp dụng công nghệ hiện đại phân tích hình ảnh, dữ liệu nhằm cảnh báo, phát hiện kịp thời sự cố gây mất an ninh trật tự và truy tìm người, phương tiện dễ dàng, nhanh chóng, chính xác.

Theo dõi 24/24, nâng cao kết quả, hiệu qủa công tác chỉ huy, điều hành bảo đảm an ninh, an toàn từ cấp cơ sở xã/phường, quận huyện và tỉnh, thành phố toàn quốc.

“Việc xây dựng trung tâm sẽ mang lại kết quả to lớn trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn khi tạo ra hệ thống thống nhất để thu thập, trao đổi dữ liệu thông tin toàn tỉnh, có khả năng mở rộng kết nối toàn quốc.

Trên cơ sở hệ thống máy tính hiệu năng cao đặt tại Trung tâm chỉ huy công an tỉnh đóng vai trò “Bộ não” để theo dõi, chỉ huy, điều hành thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm bảo an ninh đa lĩnh vực. Từ việc có khả năng thu thập thông tin toàn tỉnh, với bộ não phân tích sẽ thực hiện được nhiều chức năng đảm bảo an ninh chung”, ông Vinh phân tích.

   

Theo Vietnamnet