Hải Phòng đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng bản đồ số nông nghiệp
Hải Phòng đã và đang tập trung đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, thực hiện quản lý mã số vùng, truy xuất nguồn gốc, tăng cường quáng bá, xúc tiến thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của quá trình sản xuất và kinh doanh nông sản đã được Hải Phòng quan tâm đẩy mạnh. Trong lĩnh vực trồng trọt, Hải Phòng đã xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất hàng hóa trồng trọt tập trung giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, phối hợp với các ngành, địa phương, cấp mã số vùng trồng đối với sản phẩm chuối xuất khẩu cũng như mã số vùng trồng nội địa.
Các mô hình máy bay không người lái được sử dụng trong gieo sạ, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Không ít, doanh nghiệp, HTX, hộ dân đã chủ động đầu tư áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng.
Ngành nông nghiệp Hải Phòng dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển từ phương thức truyền thống sang hiện đại, thông minh.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED trong trồng trọt đã góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, tăng năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất cũng được chú trọng.
Không những thế, công tác tiêu thụ nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã có những thay đổi, từng bước phù hợp với nhu cầu cầu thị trường. Song song với các kênh bán hàng truyền thống, việc quảng bá, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử được tăng cường khi có gần 300 mặt hàng nông sản của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và gần 200 sản phẩm OCOP có mặt trên các website, sàn thương mại điện từ.
Ông Nguyễn Hữu Quảng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Sở NN&PTNT Hải Phòng cho biết, ngành nông nghiệp của tỉnh rất chú trọng thực hiện những nội dung để thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Việc đầu tiên là quan tâm đầu ra cho nông sản của bà con. Đến nay, rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hải Phòng đã tham gia các sàn thương mại điện tử và đặc biệt là các sản phẩm OCOP, thông qua đó, sức cạnh tranh của sản phẩm tăng lên rõ rệt.
Thứ hai là hỗ trợ cho bà con vươn khơi bám biển, lắp đặt những thiết bị giám sát hành trình.
Hải phòng đã số hóa toàn bộ những dữ liệu, tập trung xây dựng những ứng dụng để bà con tham gia. Hệ thống đầu tiên mà Thành phố đã làm là hệ thống cơ sở dữ liệu về nông sản. Từ năm 2020 Sở NN&PTNT đã tham mưu cho Thành phố ban hành chương trình khuyến nông. Trong đó xây dựng các mô hình thực tiễn để bà con thực hiện và nhân rộng.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố đã có rất nhiều mô hình ứng dụng công nghệ số. Các doanh nghiệp thủy lợi cũng ứng dụng hệ thống điều khiển từ xa trong việc vận hành các công trình. Trong xây dựng nông thôn mới, các xã về đích đã hoàn thành rất tốt các tiêu chí về thôn thông minh, làng thông minh, xã thông minh.
Nhờ áp dụng chuyển đổi số, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ngày càng rõ hơn: Giá trị sản xuất nông nghiệp từ năm 2021 đến nay tăng trưởng bình quân liên tục được đảm bảo ở mức 1,0 %/năm trở lên; thu nhập của bà con nông dân từ năm 2021 là 55,4 triệu đồng/năm, đến nay đã lên 69,5 triệu đồng/năm. Đối với các mô hình ứng dụng công nghệ số, tùy theo mô hình, tùy theo nội dung công nghệ mà áp dụng đều mang lại giá trị gia tăng từ 20 đến 40%.
Ông Nguyễn Hữu Quảng cho biết thêm, có thể nói trong giai đoạn hiện nay, triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung, nông nghiệp nói riêng, địa phương có điều kiện hết sức thuận lợi, chính sách của Đảng đã có và đã quán triệt đến các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương về chuyển đổi số.
Với Hải Phòng, Thành ủy đã có 1 nghị quyết và UBND Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch để triển khai. Chính vì thế mà các cấp đã nỗ lực rất cao trong tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn. Thuận lợi thứ hai là hạ tầng về công nghệ thông tin Hải Phòng phát triển rất tốt, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ về tận nông thôn cùng với cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con tham gia chuyển đổi số.
Chính vì thế, nhận thức của bà con đến thời điểm hiện nay khác hẳn với thời điểm ban đầu, có 100% gia đình, tổ chức cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, công nghệ số thay đổi thường xuyên.
Thời gian tới, Sở NN& PTNT Hải Phòng sẽ tham mưu cho UBND Thành phố và các cấp có liên quan hoàn thiện các quy định của pháp luật, tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách để thu hút các tổ chức cá nhân, người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số; Xây dựng và nhân rộng các mô hình mới trong sản xuất để bà con tham quan, tìm hiểu và làm theo các mô hình đó. |