Chỉ cần điện thoại thông minh, ngồi trên tàu vẫn thưởng thức nông sản vùng miền

Khi muốn đặt các sản phẩm nông sản vùng miền tại 34 tỉnh, thành hoặc các sản phẩm trên tàu phục vụ trong suốt hành trình Hà Nội - Đà Nẵng, hành khách có thể quét mã QR truy cập trang web bán hàng và lựa chọn đặc sản nông sản vùng miền.

Ngày 20/10, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam khai trương đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng với nhiều tiện ích vượt trội phục vụ hành khách.

Đáng lưu ý, bên cạnh nội thất sang trọng, nhằm gia tăng dịch vụ tiện ích cho hành khách, Tổng Công ty triển khai App bán hàng thông qua quét mã QR trên tàu. 

Theo đó, khi muốn đặt các sản phẩm nông sản vùng miền tại 34 tỉnh, thành hoặc các sản phẩm trên tàu phục vụ trong suốt hành trình, hành khách có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR để truy cập vào đường link của trang web bán hàng. Trên trang này, hành khách thoải mái lựa chọn đặc sản - nông sản vùng miền mong muốn để thưởng thức ngay trên tàu hoặc mang về làm quà. 

tau se19 66.jpeg

Hành khách thích thú trải nghiệm các dịch vụ trên tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng (Ảnh: Tuấn Minh) 

Thanh Thảo (du khách vừa trở về Hà Nội) trên chuyến tàu này cho biết rất hài lòng với dịch vụ trên tàu. Do tò mò với chuyến tàu mới này nên cô cũng thử dùng hết các dịch vụ trên tàu, trong đó không thể bỏ qua việc mua nông sản qua mạng.

“Tôi rất dễ dàng để mua được bưởi Phúc Trạch khi qua Hà Tĩnh. Chỉ cần quét mã QR rồi lựa chọn mặt hàng mà mình muốn mua là đã có thể được đáp ứng ngay sau ít phút. Rất tuyệt vời khi các sản phẩm đặc sản trải dài mọi miền tổ quốc đều được phục vụ ngay trên tàu”, Thảo nói. 

Với thế mạnh của sàn thương mại điện tử, việc đưa đặc sản nông sản của địa phương lên sàn là giải pháp hiệu quả nhằm giải bài toán đầu ra cho sản phẩm. Và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã nắm bắt thời cơ này, bắt tay với các sàn thương mại điện tử hỗ trợ bà con nông dân, các HTX tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương. 

Kênh phân phối nông sản qua sàn thương mại điện tử ngày càng có nhiều lợi thế cạnh tranh vì người mua, người bán đều trực tiếp giao dịch mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian với các khoản chi phí cho nhân công, điểm tập kết hàng.

Bên cạnh đó, với kênh thương mại điện tử, các hợp tác xã, hộ nông dân có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Giám đốc một HTX nông nghiệp ở Mê Linh, Hà Nội chia sẻ, thông qua các sàn thương mại điện tử, HTX tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. 

Theo đó, có những thời điểm chính vụ, giá ổi trên thị trường giảm sâu 10.000 đồng/kg nhưng nhờ kênh phân phối tại các sàn thương mại điện tử, ổi của HTX vẫn bán được với giá 25.000 đồng/kg.

Chia sẻ về lợi thế tham gia vào sàn TMĐT, TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp đều tiếp cận việc tiếp thị thông qua các nền tảng số cũng như các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok... 

Theo đó, có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử và nhiều doanh nghiệp trong số đó đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử.

Cũng theo TS Mạc Quốc Anh, các sàn thương mại điện tử là kênh phân phối mới nhiều ưu điểm và hiệu quả, có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, muốn phát huy đầy đủ hiệu quả của kênh bán hàng này, vẫn cần sự phối hợp hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, bộ ngành liên quan.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có thể kinh doanh hiệu quả trên môi trường số, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) trong thời gian tới sẽ phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái số đồng thời đa dạng hóa việc phối hợp với những sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, HTX và người dân. 

 
Theo Vietnamnet