Nâng cao năng lực phòng thủ an ninh mạng cho các tổ chức, doanh nghiệp
Fortinet tổ chức cuộc thi đấu an ninh mạng mang tên “Fortinet Security Fabric Range Challenge” nhằm nâng cao năng lực phòng thủ cho các nhà quản lý công nghệ thông tin, an ninh bảo mật mạng.
Ngày 16/11, Fortinet tổ chức sự kiện “Fortinet Security Fabric Range Challenge” – cuộc thi đấu an ninh mạng với mục đích giúp các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT), bảo mật an ninh mạng của Việt Nam có cơ hội trải nghiệm nhiều tình huống tấn công mạng mô phỏng thú vị và hấp dẫn.
Fortinet Security Fabric Range Challenge là ý tưởng đào tạo vượt ra khỏi những phương pháp truyền thống. Tại đây, người chơi sẽ tham gia vào một cuộc thi đấu an ninh mạng mô phỏng, nơi họ phải giải quyết một loạt các vấn đề, tình huống an ninh mạng mà các tổ chức thường gặp phải.
Bằng việc sử dụng hiệu quả các giải pháp Fortinet trong các mô phỏng thực tế, người chơi có cơ hội phát hiện và ngăn chặn hiệu quả những mối đe dọa tiềm ẩn. Ngoài ra, các chuyên gia hướng dẫn từ Fortinet cũng bổ sung kiến thức và kinh nghiệm cho các cán bộ CNTT bằng những hướng dẫn thực tế, kịp thời để cuộc thi là nơi giao lưu học hỏi và tích lũy kinh nghiệm hữu ích cho công việc.
Các đội tham gia thi đấu ngày 16/11 tại Hà Nội.
Chỉ trong vòng 4 giờ, Fortinet Security Fabric Range Challenge đã mang đến những trải nghiệm tương tác và kinh nghiệm bổ ích cho các đội đến từ hơn 20 doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, ngân hàng và tổ chức tài chính lớn ở Việt Nam.
Cuộc thi có sự tham gia của 30 đội, mỗi đội hai người đảm nhận vai trò quản lý CNTT và bảo mật mạng cho doanh nghiệp. Người chơi dựa trên các tình huống mà BTC đặt ra để quyết định các phương pháp tiếp cận tốt nhất giúp giải quyết nguy tấn công, thông qua các giải pháp và công cụ tiên tiến như FortiGate, FortiWeb và FortiTester.
Người tham gia, cùng với đồng nghiệp của mình, đóng vai trò là “đội Xanh”, nỗ lực bảo vệ tổ chức của họ khỏi những tình huống tấn công an ninh mạng phổ biến nhất. Người tham gia được hướng dẫn cách sử dụng các công cụ, giải pháp phù hợp của Fortinet để thực hành, qua đó tích lũy kinh nghiệm thực tế giúp họ tự tin hơn khi phải đối mặt với mối đe dọa an ninh mạng trong tương lai.
Người tham gia được trải nghiệm các tình huống đe dọa an ninh mạng điển hình của năm 2023, thông qua đó giúp họ dễ dàng nhận diện những mối đe dọa tương tự có thể xảy ra với tổ chức, doanh nghiệp của mình. Đồng thời được học hỏi kiến thức và áp dụng ngay vào các tình huống thực hành mô phỏng, tham gia thảo luận nhóm và nhận đánh giá, phân tích từ chuyên gia ngay sau đó. Người tham gia sẽ trở về nơi tổ chức và doanh nghiệp của mình với những kiến thức, tư duy và chiến lược bảo mật mới.
Sự kiện Fortinet Security Fabric Range Challenge còn là nơi Fortinet tạo ra sự kết nối cho các chuyên gia an ninh mạng trên khắp Việt Nam. Những người tham gia được trò chuyện, trao đổi với các chuyên gia hàng đầu trong ngành, chuyên gia của Fortinet và những đồng nghiệp có cùng đam mê bảo mật, qua đó thúc đẩy hợp tác và trao đổi kiến thức.
Ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc Quốc gia của Fortinet Việt Nam nhấn mạnh: “Trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, các sự cố an ninh mạng diễn ra thường xuyên và thực tế là hầu hết các tổ chức đều đang thụ động phản ứng lại mà chưa có các chiến lược cũng như sự chủ động phòng vệ là khá hạn chế. Cuộc thi đấu được tổ chức không chỉ là một trò chơi, một cuộc thi mà trên hết Fortinet mong rằng đó là một trải nghiệm thực hành hiếm có nơi trang bị cho người tham gia những kỹ năng và kiến thức thực tế để họ tự tin đối mặt với những thách thức an ninh mạng trong thế giới thực. Khi được huấn luyện bằng các tình huống được chúng tôi lựa chọn và nghiên cứu kỹ lưỡng, Fortinet hi vọng các chuyên gia Việt Nam sẽ được chuẩn bị tốt hơn về mặt kiến thức, kinh nghiệm và cả sự tự tin cần thiết để có thể bảo vệ tổ chức, doanh nghiệp của mình trước các mối đe dọa mạng đang gia tăng”.
Kết quả chung cuộc Fortinet Security Fabric Range Challenge 2023 (Việt Nam) Giải nhất: MCREDIT Giải nhì: NLDC (Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia – EVN) Giải ba: Vietcombank |