Làm sao để công cuộc chuyển đổi số phát huy tối đa hiệu quả?
Thời gian qua, TP.HCM đã tăng tốc tích cực trong công cuộc chuyển đổi số và tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ.
Giống như nhiều diêm dân khác tại ấp đảo Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ, TP.HCM), không chỉ tích cực hưởng ứng trương phát triển du lịch sinh thái của địa phương, gia đình chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (chủ cơ sở Muối Ngọc Long) đã mạnh dạn tìm tòi và phát triển sản phẩm “muối thảo dược”, một sản phẩm OCOP làm quà tặng độc đáo cho du khách vừa giúp nâng cao giá trị hạt muối địa phương.
Không chỉ dừng lại ở việc bán hàng cho du khách tham quan, chị Tuyết cũng đưa sản phẩm của mình lên các sàn giao dịch điện tử cũng như tham gia các chương trình livestream bán hàng OCOP, nhờ đó mà doanh thu cũng tăng lên đáng kể.
"Những chương trình bán hàng tập trung như thế này giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc quảng bá sản phẩm địa phương đến tận tay người tiêu dùng. Không chỉ tăng thêm được doanh số mà doanh nghiệp cũng có thể hỗ trợ giá bán tốt hơn cho người tiêu dùng gần xa", chị Tuyết cho biết.
Chuyển đổi số để đẩy mạnh doanh số bán hàng trên chợ điện tử đang được nhiều nông dân ở TP.HCM kỳ vọng. Ảnh: Dân Việt
Bên cạnh nông nghiệp thì y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực mà TP.HCM được đánh giá khá cao trong việc áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Qua thống kê thì 100% các trường học, cơ sở y tế trên địa bàn đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cũng như tối ưu hoá các sản phẩm công nghệ trong quá trình hoạt động.
Ông Vũ Anh Tuấn – Tổng thư ký Hội tin học TP.HCM cho biết thêm: "Trước đây, các bệnh viện chỉ đơn thuần là chữa bệnh thì hiện nay chúng ta có cái giải pháp là theo dõi chăm sóc sức khoẻ của người lớn tuổi có bệnh nền 1 cách dài hơi chứ không chỉ dừng lại ở việc chữa bệnh. Nhờ có cơ sở dữ liệu và những cái tích tụ nhiều năm thì đây là lúc chúng ta khai thác hiệu quả và hướng đến việc phục vụ người dân được tốt hơn".
Là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã và đang từng bước đưa công nghệ vào tất cả các lĩnh vực từ kinh doanh, đầu tư xây dựng đến quản trị nội bộ để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, tiết giảm chi phí và tối ưu hoá năng lực hoạt động.
Ông Luân Quốc Hưng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện Lực TP.HCM cho biết thêm: "Chúng tôi mới đưa vào hoạt động ứng dụng đổi mới sáng tạo của riêng ngành điện thành phố để kết nối tất cả 6700 người lao động với các chuyên gia, các hãng, nhà cung cấp giải pháp hay hệ thống các trường đại học.
Đặc biệt trong ứng dụng này, chúng tôi đưa ChatGPT là kho tri thức của nhân loại đến toàn thể người dùng nội bộ. Tất cả những ý tưởng mới, khó khăn, thách thức trong công việc đều được chia sẻ, giải quyết thông qua ứng dụng này".
TP.HCM đang tích cực chuyển đổi số nhanh, mạnh, toàn diện. Ảnh: Cổng thông tin Chuyển đổi số TP.HCM
Thống kê của Sở TTTT TP.HCM cho thấy, hiện nay, các dịch vụ công mức độ 4 cũng đã được phủ sóng ở hầu khắp các địa phương với tỷ lệ triển khai khoảng 30%, nhiều đơn vị hành chính công cũng đã triển khai chữ ký số để đảm bảo tính pháp lý cho các giao dịch trực tuyến, thủ tục hành chính, phát huy tối đa tinh thần “văn phòng không giấy”.
Nhằm nâng cao năng lực hành chính công, mới đây tại Tuần lễ Chuyển đổi số, lãnh đạo TP.HCM đã chính thức kích hoạt và đưa Nền tảng số TPHCM đi vào hoạt động với 4 hệ thống bao gồm: hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế xã hội , hệ thống tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân doanh nghiệp, hệ thống bản đồ số TPHCM, hệ thống đánh giá chuyển đổi số TP.HCM.
Bà Võ Thị Trung Trinh – Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cho biết: "Mục tiêu của TP.HCM khi chuyển đổi số là hướng tới tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP để hướng tới người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục dịch vụ công thì chỉ cung cấp 1 lần cho cơ quan nhà nước".
Bên cạnh các thành tựu đạt được, quá trình chuyển đổi số cũng đứng trước những thách thức nhất định, trong đó đáng chú ý nhất chính là sự đồng bộ cũng như chuẩn hoá từ cơ sở hạ tầng, năng lực nhân sự lẫn tính bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bày tỏ: "Tại các quyết định kế hoạch của Ngân hàng nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số đều đặt ra nhiệm vụ và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành, các lĩnh vực để khai thác tổng hợp dữ liệu, xác minh thông tin phân loại đánh giá và tạo thuận lợi cho khách hàng".
Những tồn tại trong việc đồng bộ dữ liệu, hạ tầng cũng chính là điểm nghẽn khiến cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghệ nói riêng có phần kém mặn mà khi gia nhập thị trường thời gian qua.
Ông Lê Hữu Nguyên – Giám đốc điều hành công ty cổ phần Misa khu vực phía Nam đề xuất: "Đồng bộ về công nghệ thì chắc chắn việc kết nối sẽ thuận lợi. Thứ hai là phải có đơn vị chủ quản ví dụ như Sở TTTT sẽ tập hợp các doanh nghiệp để gia tăng nguồn lực cho tp cũng như đưa ra các yêu cầu về đồng bộ. Khi có các tiêu chuẩn đó thì các doanh nghiệp công nghệ sẽ tham gia vào môi trường số".
Phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển:
"Phải có tầm nhìn chiến lược và đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp điều kiện thực tiễn; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua; vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tập trung vào 4 ưu tiên chính: Ưu tiên phát triển dữ liệu số; Ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với người dân, doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; Ưu tiên phát triển các nền tảng số, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia; Ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin".
Ảnh minh hoạ: Sở TT&TT TP.HCM
“Chuyển đổi số - đừng “vận động bằng cơm”.
Cuối tuần qua tôi có dịp chuyện trò với người hàng xóm hiện là quản lý tại một đơn vị công có tiếng trên địa bàn TP.HCM. Câu chuyện không có gì đặc biệt cho đến khi người láng giềng buông tiếng thở dài sau khi nhận được cuộc gọi của đồng nghiệp. Đại loại là hệ thống máy tính của cơ quan đột ngột dừng hoạt động vì “hệ thống mất kết nối” trong khi hàng loạt dự án cần được triển khai trong mùa cao điểm “chạy nước rút” giải ngân cuối năm.
Không chỉ vậy, người hàng xóm của tôi còn chỉ ra hàng loạt các “nguyên nhân khách quan” khác như đường truyền thiếu ổn định, cơ sở dữ liệu chưa được kết nối, hạn chế công nghệ của cán bộ công chức, hệ thống trang thiết bị cũ kỹ… Đó là chưa kể quy trình lấy ý kiến, tiếp thu, điều chỉnh, báo cáo của các đơn vị liên quan vẫn còn nặng tính “thủ công” khiến cho các dự án hạ tầng anh hàng xóm đang phụ trách luôn trong tình trạng “chậm vẫn hoàn chậm”.
Điều này có phần trái ngược với những gì mà bản thân tôi được nghe được thấy tại tuần lễ Chuyển đổi số TPHCM diễn ra hồi trung tuần tháng 10 vừa rồi. Ở đó, nhiều công nghệ, giải pháp hay thành tựu của quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số được các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn trình diễn, giới thiệu đến công chúng.
Tuy vậy, không khó để nhận ra rằng, có rất ít khách tham quan là sinh viên các trường khối công nghệ hay nhân viên các doanh nghiệp, cán bộ viên chức các đơn vị có gian hàng triển lãm được huy động để… lấp đầy sự kiện.
Tất cả những điều trên cho thấy, chuyển đổi số dù nhận được sự đầu tư lớn từ Chính phủ và các địa phương nhưng vẫn chưa thực sự thu hút hay tạo nên những cú hích mang tính tích cực cho người dân lẫn doanh nghiệp. Cũng không khó hiểu là dù kêu gọi chuyển đổi số nhưng mức độ chuyển động của các bên liên quan vẫn còn nặng tính cơ học, quy trình.
Chuyển đổi số là xu hướng không thể đảo ngược trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu mà Đảng và Nhà Nước ta đặt ra để có thể rút ngắn khoảng cách với phần còn lại của thế giới cũng như nâng cao vị thế quốc gia. Dù đã có những tín hiệu khởi sắc, song cũng cần phải đối diện với thực tế để kịp thời có sự điều chỉnh, khắc phục phù hợp.
Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, muốn số hoá hay chuyển đổi số thành công thì tất cả các thành phần trong quá trình ấy phải chuyển động, thay đổi theo tinh thần số, tư duy số. Vì thế, nếu cứ tiếp tục cách làm hành chính, thủ công hay nói theo ngôn ngữ kỹ thuật ô tô là “vận động bằng cơm” như hiện nay thì rất dễ để chúng ta bị bỏ lại phía sau.