Bước tiến ngoạn mục trong chuyển đổi số ở Sóc Trăng

“Với cách làm chủ động, quyết liệt, sáng tạo, chuyển đổi số ở tỉnh đã gặt hái được thành công ấn tượng, xếp hạng DTI năm 2022 tăng 20 bậc, cam kết đưa chỉ số DTI năm 2023 của tỉnh lọt top 30”, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Sở TT&TT Sóc Trăng nói.

Tháng 1/2022, ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ TT&TT) được biệt phái về công tác tại UBND tỉnh Sóc Trăng.

Về tỉnh, ông được phân công đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở TT&TT.

Vị Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia đã có 15 năm gắn bó với Bộ TT&TT, trong đó có 12 năm làm việc tại Cục Chuyển đổi số Quốc gia về công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy từ trong quá trình công tác tại Bộ giúp ông Nguyễn Hữu Hạnh sớm hòa nhập, bắt nhịp ngay vào nhiệm vụ của địa phương, đặc biệt là xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh, thực hiện CĐS, kinh tế số.

Niềm vui và nỗi lo 

Buổi chiều giữa tháng 10/2023, trở về từ chuyến đi học hỏi kinh nghiệm ở Quảng Nam, Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Hạnh đã dành thời gian chia sẻ với PV Vietnamnet về công tác TT&TT tại tỉnh Sóc Trăng sau gần 2 năm nhận nhiệm vụ.

W-cds-st-5-1.jpg

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Sở TT&TT Sóc Trăng (người đầu tiên, từ trái qua) trao giải nhất cho Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam tại Lễ tổng kết Diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố năm 2023.

Khi được hỏi về cảm xúc trong ngày nhận nhiệm vụ tại địa phương, ông Hạnh cho biết bên cạnh việc hào hứng với công việc mới, địa bàn mới thì trong suy nghĩ khi ấy, ông có những lo lắng nhất định.

Theo Giám đốc Sở TT&TT Sóc Trăng, xếp hạng về chuyển đổi số của tỉnh còn thấp (xếp thứ 56/63 tỉnh, thành); số lượng văn bản tham mưu thực hiện CĐS rất nhiều nhưng cán bộ tham mưu có trình độ chuyên ngành CNTT ít, thậm chí có nơi không có hoặc có thì không đáp ứng yêu cầu tham mưu dẫn đến việc chậm rà soát, sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CĐS.

Năng lực quản trị vận hành hệ thống của cán bộ ở địa phương còn thiếu và yếu dẫn đến tình trạng cán bộ cơ quan chuyên ngành phải gánh dẫn đến quá tải. Hạ tầng CNTT chưa được đầu tư đúng mức, trang thiết bị nhiều nơi, nhất là ở cơ sở còn thiếu, cũ…

W-cds-st-9-1.jpg

Sở TT&TT Sóc Trăng tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023.

“Tính chất công việc tại Sở rất rộng, trong khi kiến thức đã có thì chỉ chuyên sâu vào một vài lĩnh vực. Ngoài ra, việc phải sống xa gia đình, trong một môi trường từ khí hậu cho đến văn hóa cũng rất khác biệt, ngay cả giọng nói, cách nói cũng chưa nghe, chưa hiểu hết”, ông Hạnh trăn trở.

Đưa chuyển đổi số địa phương “cất cánh”

Theo ông Hạnh, CĐS không đơn thuần là ứng dụng khoa học CNTT mà phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đưa tất cả các hoạt động hằng ngày của người dân lên môi trường số để từ dữ liệu số, công nghệ sẽ giúp phản ánh chân thực, phân tích hiệu quả các hoạt động của người dân, đồng thời đề xuất các giải pháp tốt hơn để bà con áp dụng trong thực tiễn.

Sở TT&TT đã tham mưu cho UBND tỉnh, trình Tỉnh ủy xem xét, ban hành Nghị quyết về CĐS tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để làm cơ sở cho các cấp, các ngành thực hiện, phấn đấu.

W-cds-st-10-1.jpg

Nhân viên các doanh nghiệp viễn thông hướng dẫn các em học sinh Trường THPT Hoàng Diệu sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

“Đây kim chỉ nam cho hoạt động CĐS ở tỉnh là định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện CĐS với 3 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Trên cơ sở của nghị quyết, Sở TT&TT Sóc Trăng đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, các trường đại học, các doanh nghiệp công nghệ thông tin tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu về các kỹ năng, nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp. 

Đồng thời, tăng cường kết nối, học hỏi về chuyên môn, kinh nghiệm các chuyên gia Trung ương. Qua đó, hiểu rõ các chính sách, nắm được các định hướng của Trung ương cũng như có thể nhanh chóng giải đáp các vướng mắc khi triển khai tại địa phương.

Trên địa bàn tỉnh, Sở cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại với đoàn viên, thanh niên, hội nông dân để giải đáp các thắc mắc, giới thiệu các mô hình hay, cách làm tốt trong ứng dụng công nghệ phục vụ lao động, sản xuất và đáp ứng các nhu cầu thiết thực của đời sống xã hội. 

W-cds-st-3.jpg

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn (người thứ 4, từ phải qua) khảo sát về hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng tại huyện Long Phú.

Đặc biệt là việc phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập và tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đến tất cả các ấp trên địa bàn.

Theo ông Hạnh, toàn tỉnh đã thành lập mỗi khóm, ấp 1 tổ CNSCĐ; với 775 tổ/775 khóm, ấp, đạt tỷ lệ 100%, có 5.045 thành viên có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số.

Với cách làm chủ động, quyết liệt, sáng tạo được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, CĐS Sóc Trăng đã gặt hái được những thành công ấn tượng. 

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh Sóc Trăng có 87,74% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đối với cấp tỉnh; 85,79% đối với cấp huyện và 76,28% đối với cấp xã. Có 90 doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử với 244 sản phẩm và hợp tác liên kết với 11 sàn thương mại điện tử của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL…

“Vừa qua, Bộ TT&TT đã công bố báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Sóc Trăng xếp hạng thứ 36/63, tăng 20 bậc so với năm 2021 và 21 bậc so với năm 2020”, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Hữu Hạnh nói và cam kết đưa chỉ số DTI năm 2023 của tỉnh lọt top 30.

Điểm sáng

Ông Hạnh cho biết, được sự quan tâm của lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đầu năm 2022, Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh (IOC) Sóc Trăng được khánh thành, đây là “điểm sáng” thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh muốn sớm đưa các kết quả CĐS vào phục vụ hiệu quả hơn công tác chỉ đạo điều hành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

W-cds-st-6-1.jpg

Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh Sóc Trăng khánh thành được ví như “điểm sáng” trong công tác chuyển đổi số.

Hiện tại, trung tâm đang thực thi giám sát 11 lĩnh vực gồm: Y tế, giáo dục, hành chính công, cổng thông tin điện tử, văn bản điện tử, tài nguyên và môi trường, du lịch, kinh tế - xã hội, phản ánh hiện trường, camera giám sát, bản đồ nền. 

“Riêng hệ thống giám sát đã tích hợp gần 700 camera, hầu hết là camera của người dân, được lưu trữ lại trên trung tâm tích hợp dữ liệu để phục vụ cho công tác điều tra xử lý các vụ việc về an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, giúp cảnh báo, phòng ngừa tội phạm”, ông Hạnh nói.

 

W-cds-st-1-1.jpg

Cán bộ Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) điều hành IOC tỉnh Sóc Trăng.

Đặc biệt, lĩnh vực phản ánh hiện trường là cầu nối trực tiếp giữa chính quyền các cấp với người dân thông qua nền tảng số “Công dân Sóc Trăng”. Thông qua ứng dụng này, người dân có thể phản ánh trực tuyến những vấn đề bất cập, bức xúc với các cơ quan chức năng và theo dõi kết quả xử lý để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

Theo Giám đốc Sở TT&TT, ứng dụng đã có khoảng 35.000 lượt tải, hiện đã được nâng cấp lên phiên bản mới và được bổ sung các thông tin và cải thiện nhiều chức năng.

W-cds-st-8-1.jpg

Ứng dụng "Công dân Sóc Trăng" được nâng cấp lên phiên bản mới.

Sau gần 2 năm biệt phái về công tác tại địa phương, ông Nguyễn Hữu Hạnh trân trọng cảm ơn Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ TT&TT và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trên địa bàn.

“Có thể nói, chỉ với thời gian 2 năm làm việc tại địa phương, nhưng tôi đã thu được khối lượng kiến thức rất lớn, rất thực tế. Đây sẽ là hành trang rất quý giá trên con đường quay lại làm việc tại Bộ TT&TT”, ông Hạnh tâm sự.

Theo Vietnamnet