Kinh tế - xã hội có bước đột phá nhờ chuyển đổi số ở Đông Giang, Quảng Nam
Những năm gần đây, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã và đang tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào mọi mặt đời sống đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con.
Thay vì chạy từng nhà thông báo họp dân như trước đây, anh Nguyễn Văn Nhích, Trưởng thôn Đha Mi, xã Ba, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam chỉ cần nhấc chiếc điện thoại thông minh, gõ vài dòng thông báo lên nhóm zalo của thôn là bà con nắm ngay thông tin.
Bà con dân tộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam nhận thông báo trên nhóm zalo của thôn để nắm bắt thông tin.
Anh Nhích cho biết, thôn Đha Mi có 284 hộ với gần 1130 nhân khẩu, trong đó, đồng bào Cơ Tu chiến gần 80% dân số. Thấy ứng dụng hữu ích của zalo, anh Nhích đã lập ra nhóm zalo thôn Đha Mi với sự tham gia của tất cả các hộ dân. Nhóm zalo này chủ yếu thông báo về các buổi họp thôn và hoạt động của thôn, từ vận động bà con ủng hộ quỹ, góp công, góp của xây dựng công trình công cộng, đến thăm hỏi đau ốm, hiếu, hỉ.
Anh Nguyễn Văn Nhích cho biết, việc ứng dụng zalo trong công việc đã giúp anh nắm bắt kịp thời các vấn đề của thôn, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại: “Xã đã về triển khai chuyển đổi số và hướng dẫn trên điện thoại luôn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống, sản xuất quá là thuận tiện. Mọi công việc của thôn tôi đều nhắn trên zalo hết. Hầu như các gia đình trong thôn đều biết sử dụng điện thoại để kết nối với nhau”.
Từ ngày ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, công việc của chị Alăng Lanh, cán bộ phụ trách công tác Nội vụ, Thi đua khen thưởng, Dân tộc, Tôn giáo xã Ba, huyện Đông Giang, trở nên tiện lợi và hiệu quả hơn rất nhiều.
Chị A Lăng Lanh cho biết, trước đây, việc tổng hợp, tiếp nhận các văn bản hướng dẫn, triển khai các Nghị quyết, chính sách pháp luật,... mất rất nhiều thời gian lục tìm, rà soát, thống kê. Thế nhưng, mấy năm nay, nhờ thực hiện chuyển đổi số, mọi thông tin liên quan tới hồ sơ, văn bản được chị cập nhật và lưu trữ trong máy tính, nên không sợ thất lạc lại tiết kiệm được thời gian.
Mấy năm nay, nhờ thực hiện chuyển đổi số, mọi thông tin liên quan tới hồ sơ, văn bản được chị cập nhật và lưu trữ trong máy tính, nên không sợ thất lạc lại tiết kiệm được thời gian.
“Trước mỗi lần triển khai dự án, chính sách gì là tôi lại hì hục bê một đóng hồ sơ, văn bản lưu trữ để tìm. Nay, kích chuột vào tìm kiếm mục lưu trữ, mọi thông tin về dân số, đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo... đều có hết. Công việc của tôi bây giờ nhanh và hiệu quả hơn. Ngoài thời gian làm việc, tôi còn tranh thủ bán rau củ quả, hàng nông sản trên trang facebook được nhiều người đặt mua. Nên việc sử dụng facebook, zalo rất hữu ích đối với tôi”, chị Lanh cho biết.
Theo ông Phạm Kim Thông, Phó Chủ tịch xã Ba, huyện Đông Giang, từ năm 2021, xã Ba đã triển khai lắp đặt máy tính cho tất cả phòng, ban tại trụ sở UBND xã; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, phổ cập sử dụng công nghệ, máy tính cho cán bộ, công nhân, viên chức. Hiện, tất cả công văn lưu trữ, dữ liệu thống kê đều được số hóa. Các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều đưa lên trang điện tử xã Ba để người dân nắm bắt, theo dõi. Đặc biệt, tất cả 5 thôn trên địa bàn xã Ba đều đã được lắp đặt mạng internet, wifi để bà con sử dụng.
Ông Phạm Kim Thông cho biết: “Tới đây, từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia, xã tiếp tục đầu tư, mua sắm các trang thiết bị như máy tính, máy scan để phục vụ hệ thống một cửa, đảm bảo công tác cải cách hành chính, dịch vụ công được nhanh chóng, hiệu quả. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp bà con trên địa bàn rất nhiều trong tiêu thụ nông sản, lâm sản. Hiện, bà con chủ yếu đăng bán các sản phẩm nông sản trên trang facebook, zalo rất hiệu quả”.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào mọi mặt đời sống đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Đông Giang là một trong 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, gần 80% dân số là đồng bào Cơ Tu. Những năm gần đây, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin ở vùng đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang đã đem lại những chuyển biến tích cực. Từ chỗ còn lạ lẫm với công nghệ thông tin, đến nay hầu hết bà con vùng cao từ người già đến trẻ nhỏ đều biết sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội như Fabook, Zalo để quảng bá, giới thiệu và bán nông sản.
Trong đó, có nhiều sản phẩm của bà con đã tiếp cận được các thị trường lớn ở trong và ngoài tỉnh. Ông Đoàn Ngọc Bình, Trưởng phòng Phòng Dân tộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, để hỗ trợ bà con thuận tiện sử dụng công nghệ thông tin, năm ngoái, huyện Đông Giang đã thành lập Tổ Công nghệ cộng đồng tại tất cả 40 thôn thuộc 11 xã, thị trấn.
Mới đây, Phòng Văn hóa và thông tin huyện Đông Giang vừa trình UBND huyện xem xét, tham mưu HĐND huyện thông qua kế hoạch triển khai Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10 của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, kinh phí năm 2023 để thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin; tập huấn, bồi dưỡng cán bộ cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, xã;...là hơn 330 triệu đồng.
Ông Đoàn Ngọc Bình, Trưởng phòng Phòng Dân tộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
“Tất cả các thôn bản trên địa bàn huyện chổ nào cũng có thể truy cập internet, truy cập 4G, 5G. Hiệu quả việc ứng dụng công nghệ tại cộng đồng là rất hữu hiệu, bởi nó kéo theo dân trí ngày một đi lên. Qua đó, hỗ trợ bà con tìm hiểu các chính sách, chủ trương thuận tiện, tìm kiếm các mô hình hiệu quả về áp dụng, mua bán sản phẩm trên mạng rất sôi nổi... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng”, ông Bình khẳng định.